![cong-ty-bi-nghi-do-tinh-bao-trieu-tien-kiem-soat-o-malaysia](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/03/01/He-lo-1-5838-1488337165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4pid9SBHuJ4A7wznf1Dg2g)
Tòa nhà ở khu tiểu Ấn Độ, Kuala Lumpur, nơi đặt văn phòng Glocom. Ảnh: Reuters
Đằng sau cánh cửa nằm trên tầng hai một tòa nhà cũ kỹ tại khu Tiểu Ấn Độ ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, là nơi đặt văn phòng Glocom, công ty bình phong do các điệp viên tình báo Triều Tiên điều hành. Công ty này bán thiết bị bộ đàm chiến trường, vi phạm các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc (LHQ), theo một báo cáo chưa được công bố LHQ gửi cho Hội đồng Bảo an.
Hãng thông tấn Reuters cho biết trên trang web glocom.com.my, Glocom rao bán 30 loại bộ đàm sử dụng cho các tổ chức quân sự và bán quân sự.
Trang web của Glocom, bị dừng hoạt động vào năm ngoái, nêu địa chỉ tại khu Tiểu Ấn Độ trong phần thông tin liên hệ. Tuy nhiên, nơi này hiện trống rỗng, không ai ở. Bên ngoài cửa, hộp thư chứa đầy những phong bì chưa mở.
Thực tế, không có công ty nào mang tên Glocom tồn tại ở Malaysia. Tuy nhiên, hai công ty Malaysia với nhóm cổ đông kiểm soát đến từ Triều Tiên đã đăng ký website Glocom vào năm 2009, theo tài liệu đăng ký doanh nghiệp và thông tin trên trang web glocom.com.my.
Kinh doanh thiết bị liên lạc quân sư
Văn phòng Glocom tại Malaysia
Báo cáo LHQ cho hay Glocom thực chất có kinh doanh. Tháng 7 năm ngoái, một chuyến hàng thiết bị liên lạc quân sự Triều Tiên được chuyển từ Trung Quốc, đang trên đường đến Eritrea bằng đường hàng không thị bị chặn lại tại một nước không nêu tên. Những thiết bị thu giữ bao gồm 45 hộp bộ đàm chiến trường và các phụ kiện dán nhãn hiệu Glocom, viết tắt từ Global Communications Co.
Theo báo cáo, Glocom đặt dưới quyền kiểm soát của Tổng cục Trinh sát Triều Tiên, cơ quan tình báo có nhiệm vụ thực hiện các điệp vụ ở nước ngoài cũng như thu mua vũ khí.
Người phát ngôn phái bộ Triều Tiên tại LHQ tuyên bố ông không biết thông tin gì về Glocom. Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2009 đã mở rộng lệnh cấm vận vũ khí chống Triều Tiên sang thiết bị quân sự và tất cả "các trang thiết bị liên quan".
Tuy nhiên, theo báo cáo từ LHQ, việc thực hiện lệnh trừng phạt trên vẫn không được các nước thành viên thực hiện đầy đủ và nhất quán. Đồng thời, Triều Tiên "ngày càng gia tăng về mức độ, phạm vi cũng như sự tinh vi trong việc sử dụng các kỹ thuật luồn lách nhằm né lệnh trừng phạt".
Malaysia là một trong rất ít các quốc gia có mối quan hệ với Triều Tiên. Công dân hai nước có thể qua lại lẫn nhau mà không cần thị thực. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu xấu đi sau vụ án mạng xảy ra tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. Nạn nhân bị nghi là Kim Jong-nam, anh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo mạng dữ liệu về tên miền WHOIS, Glocom.com.my được đăng ký vào năm 2009 bởi một công ty tên International Global System và sử dụng khu Tiểu Ấn Độ làm địa chỉ liên lạc. Một công ty có tên International Golden Services cũng xuất hiện ở phần thông tin liên hệ trên trang web Glocom.
Báo cáo từ LHQ tiết lộ chi nhánh tại Bình Nhưỡng của một công ty mang tên Pan Systems, trụ sở đặt ở Singapore, điều hành Glocom.
Louis Low, giám đốc Pan Systems Singapore xác nhận công ty ông từng có một văn phòng hoạt động ở Bình Nhưỡng vào năm 1996 nhưng chính thức chấm dứt các mối quan hệ với Triều Tiên năm 2010 và không còn điều hành bất cứ doanh nghiệp nào tại đây.
"Họ sử dụng cái tên Pan Systems và nói đó là một công ty nước ngoài nhưng họ tự vận hành mọi thứ", Low nói với Reuters, ám chỉ những người Triều Tiên tại văn phòng của Pan Systems ở Bình Nhưỡng.
Pan Systems Bình Nhưỡng sử dụng các tài khoản ngân hàng, công ty bình phong và đại lý chủ yếu ở Trung Quốc và Malaysia để mua linh kiện và bán các bộ đàm thành phẩm, theo báo cáo của LHQ.
Một trong những giám đốc Pan Systems Bình Nhưỡng là Ryang Su Nyo. Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, Ryang có trách nhiệm báo cáo cho Văn phòng Liên lạc 519, cơ quan thuộc Tổng Cục trinh sát Triều Tiên. Ryang cũng là cổ đông của International Global System, công ty đã đăng ký địa chỉ trên website Glocom.
Ryang thường xuyên đến Singapore và Malaysia để gặp gỡ các đại diện Pan Systems, báo cáo của LHQ cho biết.
Trong một chuyến đi như vậy vào tháng 2/2014, bà và hai người Triều Tiên khác bị bắt giữ tại Malaysia vì định vận chuyển trái phép 450.000 USD qua hải quan ở ga hàng không giá rẻ thuộc sân bay quốc tế Kuala Lumpur, hai nguồn tin nắm rõ vụ việc cho hay.
Sau khi bị bắt giữ, cả ba người nói với nhà chức trách Malaysia rằng họ làm việc cho Pan Systems và số tiền trên thuộc về Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur.
Tổng Chưởng lý Malaysia quyết định không khởi tố vụ việc vì không có bằng chứng đầy đủ. Một tuần sau, cả ba được thả và Đại sứ quán Triều Tiên đã nhận lại số tiền trên. Cả ba người đều mang hộ chiếu vốn chỉ cấp cho quan chức chính phủ Triều Tiên.
Theo báo cáo của LHQ, đại diện Pan Systems ở Kuala Lumpur là một người Triều Tiên có tên Kim Chang Hyok. Người này giữ chức giám đốc sáng lập International Golden Services.
Kim đồng thời còn là giám đốc và cổ đông của 4 công ty khác ở Malaysia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại, theo cơ quan đăng ký doanh nghiệp Malaysia.
Một ủy ban LHQ, cơ quan soạn thảo báo cáo trên, đã yêu cầu chính phủ Malaysia trục xuất Kim và đóng băng tài sản của International Golden Services cùng International Global System để tuân thủ các lệnh trừng phạt nhưng chưa nhận được câu trả lời.
![cong-ty-bi-nghi-do-tinh-bao-trieu-tien-kiem-soat-o-malaysia-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/03/01/He-lo-2-2725-1488337165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jKUIw84kIrUUc6IfmyOWzA)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận. Dù là nước nghèo nhưng các hoạt động quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên vẫn phát triển mạnh. Ảnh: KCNA
Glocom quảng cáo và trưng bày hàng hóa nhưng không tiết lộ bất cứ mối liên quan nào đến Triều Tiên. "Bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào trên chiến trường" là một trong những câu khẩu hiệu của Glocom vào năm 2014.
Một mẩu quảng cáo trên Tạp chí Quân sự châu Á số tháng 9/2012 cho biết Glocom phát triển bộ đàm, thiết bị cho "các tổ chức quân sự và bán quân sự".
Đại diện tạp chí này xác nhận Glocom đã đăng mẩu quảng cáo trên nhưng thêm rằng họ không biết Glocom có mối liên hệ với Triều Tiên.
Glocom ít nhất ba lần tham gia triển lãm Các Dịch vụ Quốc phòng châu Á (DSA) diễn ra ở Malaysia hai năm một lần.
Tại DSA 2016, Glocom trả 2.000 ringgit (450 USD) để dùng chung một chiếc bàn trong gian hàng của Công ty Integrated Securities Corporation Malaysia.
Nhiều manh mối trên website glocom.my.com cho thấy Glocom có nguồn gốc từ Triều Tiên, ví dụ một bức ảnh không đề ngày tháng chụp cảnh công nhân nhà máy đang kiểm tra bộ đàm Glocom.
Một tấm bảng gần đó cho thấy anh ta đã giành "Giải thưởng Máy mẫu số 26". Tên của giải thưởng này dường như nhằm tôn vinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, người được cho là đã vận hành hiệu quả "Máy tiện số 26" tại Nhà máy dệt Bình Nhưỡng khi ông còn là một sinh viên.
Khoảnh khắc người đàn ông nghi là Kim Jong-nam bị sát hại
Hồng Vân