Thứ hai, 23/12/2024
Thứ hai, 24/7/2023, 06:00 (GMT+7)

Công trường kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa hoang phế

Bên bờ sông Sài Gòn quanh bán đảo Thanh Đa, nhiều hạng mục xây kè chống sạt lở dang dở, vật liệu ngổn ngang, bị cỏ dại phủ kín sau nhiều năm ngưng trệ.

Cách trung tâm TP HCM gần 5 km, bán đảo Thanh Đa rộng 635 ha, thuộc quận Bình Thạnh. Nơi này được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, lối tiếp cận duy nhất bằng đường bộ thông qua cầu Kinh Thanh Đa, trên trục đường Bình Quới - Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Vùng đất này nằm trọn giữa các tuyến sông, kênh, từng xảy ra nhiều vụ xói lở nên 17 năm trước, TP HCM triển khai các dự án xây kè nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Các dự án chia thành hai nhóm, trong đó nhóm chống sạt bờ kênh Thanh Đa, dài hơn 2 km, được triển khai trước. Các công trình thuộc nhóm này đã hoàn thành nhiều năm nay, tạo diện mạo mới cho khu vực.

Trong khi đó, nhóm công trình còn lại là xây kè bên bờ sông Sài Gòn có quy mô lớn hơn, gồm ba đoạn (2, 3, 4), tổng chiều dài khoảng 9 km, vốn đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng. Các công trình này triển khai cách đây 7-8 năm, nhưng đến nay dang dở, nhiều đoạn đã dừng thi công từ lâu.

Trên công trường dự án đoạn 2 (sông Sài Gòn - khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) ngày 22/7, toàn bộ hoạt động thi công đã dừng. Đoạn này có quy mô xây kè dài gần 2,8 km, vốn đầu tư 319 tỷ đồng, chia làm hai gói thầu chính, gồm: thảm đá dưới nước và thi công thân, đỉnh kè. Hiện một số hạng mục dưới nước và lắp thân kè đã xong.

Xung quanh nơi này đang tập trung đông dân cư, nhiều xưởng kinh doanh biển quảng cáo, nhà trọ... ở gần bờ. Công trình xây kè chưa hoàn thành nên đoạn này vẫn trong danh sách nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở TP HCM.

Nhiều vị trí ven bờ sông đoạn 2 để ngổn ngang vật liệu thi công. Các khối bêtông, vật liệu làm thân kè chất đống, xám xịt sau thời gian dài để lại trên công trường.

Các cọc bêtông cốt thép để ngổn ngang ở công trường đoạn 4.

Tương tự, tại đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu biệt thự Lý Hoàng đến Nhà thờ La San Mai Thôn), công trường thi công đang ngưng trệ. Đoạn này dài khoảng 2,7 km, vốn đầu tư hơn 380 tỷ đồng.

Ven bờ sông ở dự án đoạn 4 hiện một số vị trí đã được đóng cọc nhưng không có công nhân thi công.

"Cách đây vài năm, nhà thầu đến đóng cọc, phân ranh làm bờ kè và tập kết một số vật liệu, máy móc, nhưng sau đó không có hoạt động nào được triển khai", ông Văn Khánh, 52 tuổi, chủ cửa hàng ở khu vực nói.

Đá lát kè chất đống, bị phủ kín bởi dây leo, cỏ dại.

Một đoạn cọc bêtông đóng dưới mặt nước bị phủ bởi rong rêu, lục bình.

Khu vực dự án đoạn 4 cũng trong danh sách vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở TP HCM. Hiện, xung quanh nơi này tập trung đông dân cư, nhiều căn nhà ở sát bờ sông.

Một đoạn ven bờ sông được đóng tạm bằng các thân cây để xác định phạm vi xây dựng. Sau thời gian dài, gỗ đã mục nát, xiêu vẹo.

Ngoài hai đoạn trên, đoạn 3 của dự án từ xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa, dài 4 km, vốn đầu tư hơn 643 tỷ đồng, đang được triển khai.

Hồi cuối tháng 5, Sở Giao thông Vận tải TP HCM khi kiểm tra thực tế đoạn 2 và 4 ghi nhận công trường không triển khai. Hai đoạn này cũng có nhiều vị trí đã được giao mặt bằng từ năm 2020, song việc thi công vẫn không được thực hiện.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết trong tháng 7 và 8 sẽ làm thủ tục dừng hợp đồng với các nhà thầu ở hai đoạn trên, kèm biện pháp xử lý hành chính. Việc đấu thầu chọn đơn vị mới đủ năng lực cũng được thực hiện song song để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Dọc kênh Thanh Đa - nơi đã hoàn thành các đoạn kè chống sạt lở, hiện cảnh quan hai bờ sạch đẹp với lối đi bộ, công viên, tạo không gian công cộng cho người dân vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6 một đoạn bờ kè dài khoảng 120 m ven kênh Thanh Đa bị lún khiến thành phố phải di dời khẩn cấp 13 hộ dân, đồng thời cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Đây là bờ kè thuộc đoạn một của công trình chống sạt lở kênh, đã hoàn thành năm 2009. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ sụt lún là bờ kè bị gia tải quá thiết kế trong quá trình xây dựng, kết hợp với việc đã khai thác hơn 10 năm. Thành phố đang triển khai khảo sát tổng thể để xác định rõ nguyên nhân, phương án khắc phục.

Vị trí bán đảo Thanh Đa được bao bọc bởi sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch. Đồ họa: Đăng Hiếu

Thanh Tùng - Gia Minh