Nghĩa vụ trên xuất phát từ án lệ Brady v. Maryland vào năm 1963. Tháng 6/1958, John Brady (25 tuổi) cùng Charles Boblit (24 tuổi) bị công tố viên truy tố án tử hình với cáo buộc giết hại người đàn ông 53 tuổi trong lúc định trộm xe của nạn nhân đi cướp ngân hàng tại bang Maryland.
Không muốn lãnh án tử, trước khi ra tòa, Brady thừa nhận đã dính líu tới vụ giết người nhưng khẳng định chính Boblit trực tiếp gây án. Luật sư của Brady đồng thời cũng yêu cầu được rà soát mọi bản khai của Boblit mà công tố viên đang giữ để tìm căn cứ xin giảm nhẹ cho thân chủ.
Vì hai bị cáo đổ tội cho nhau, mỗi người bị xét xử trong phiên tòa riêng biệt. Dù vậy, Brady và Boblit đều bị kết tội Giết người cấp độ I và lãnh án tử hình.
![Charles Boblit (trái) và John Brady cùng bị còng tay và dẫn giải. Ảnh: The Evening Sun.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/05/13/1-1546-1589370223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zxlmpoum_Tcf8MkImLYraQ)
Charles Boblit (trái) và John Brady cùng bị còng tay và dẫn giải. Ảnh: The Evening Sun.
Sau khi có bản án, luật sư của Brady phát hiện công tố viên chỉ chuyển cho bên bào chữa bốn trên tổng số 5 bản khai của Boblit. Trong bản khai không được công khai, Boblit đã thừa nhận là người duy nhất giết hại nạn nhân, phù hợp với lời khai của Brady.
Với căn cứ trên, luật sư yêu cầu tái thẩm với lập luận hành động của công tố viên cố ý giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo đã vi phạm vào quyền được xét xử đúng trình tự công bằng của thân chủ. Tuy vậy, kháng cáo của luật sư thất bại, tòa tối cao bang Maryland giữ nguyên bản án của Brady và chỉ cho phép tiến hành lại giai đoạn quyết định hình phạt.
Sau khi tiếp nhận vụ án, tòa tối cao liên bang đã giữ nguyên quyết định của tòa tối cao bang Maryland vào năm 1963. Trong phán quyết, tòa tối cao liên bang nhận định rằng dù công tố viên vô ý hay cố ý, hành động giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo sẽ vi phạm vào quyền được xét xử đúng trình tự công bằng nếu chứng cứ ấy "có ý nghĩa mấu chốt" đối với tội trạng hoặc hình phạt.
Nhưng vì bản khai của Boblit chỉ có ý nghĩa mấu chốt đối với việc quyết định hình phạt của Brady, tòa cấp dưới sẽ không phải tái thẩm toàn bộ mà chỉ phải thực hiện lại giai đoạn lượng hình.
Dù đây không phải thắng lợi cho bản thân Brady, án lệ Brady v. Maryland vẫn đặt ra cho cơ quan công tố nghĩa vụ cung cấp mọi chứng cứ có lợi cho bị cáo, từ đó trở thành án lệ cột mốc trong lịch sử tư pháp hình sự Mỹ.
Tại sao án lệ này lại có vai trò quan trọng trong lịch sử pháp lý Mỹ? Về bản chất, hệ thống tư pháp hình sự ở quốc gia này mang bản chất tố tụng tranh tụng, tức cơ quan công tố và bào chữa sẽ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình, không bên nào có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ có lợi cho bên kia. Trên lý thuyết, bồi thẩm đoàn có thể phân biệt sự thật qua nội dung hai bên tranh luận.
Với án lệ Brady v. Maryland, các thẩm phán tòa tối cao muốn đẩy quy trình tố tụng từ hướng tranh tụng thêm nghiêng về hướng tố tụng xét hỏi. Công tố viên cùng chia sẻ thông tin liên quan với bên bào chữa trong công cuộc tìm kiếm sự thật chung, từ đó bảo vệ quyền lợi của bị cáo và đảm bảo thực thi công lý. "Xã hội không chỉ chiến thắng khi người có tội bị kết án, mà còn khi phiên tòa hình sự được diễn ra công bằng", thẩm phán tối cao William Douglas nêu.
Một số án lệ sau đó cũng dần hoàn thiện quy định về nghĩa vụ công khai chứng cứ có lợi. Ví dụ án lệ Giglio v. United States (năm 1972) làm rõ hơn về khái niệm "chứng cứ có ý nghĩa mấu chốt", hoặc án lệ United States v. Bagley quy định kể cả khi bên bào chữa không yêu cầu, công tố viên cũng phải xuất trình chứng cứ có lợi nếu có thể làm thay đổi kết quả tố tụng.
Theo nghĩa vụ trên, công tố viên phải công khai các chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, chứng cứ thể hiện độ tin cậy của nhân chứng (ví dụ có được hứa thưởng, hoặc thỏa thuận ra làm chứng để được nhẹ tội trong vụ án khác hay không, tiền sử làm chứng trước tòa ra sao),... Công tố viên cũng phải thông báo với bên bào chữa nếu một cảnh sát sắp ra làm chứng được xác nhận từng cố tình nói dối trong quá trình công tác.
Nếu vi phạm nghĩa vụ công khai chứng cứ có lợi cho bị cáo, công tố viên sẽ có thể bị kỷ luật lên tới mức sa thải. Bản án cũng có thể bị hủy và yêu cầu tái thẩm do vi phạm tố tụng.
Quốc Đạt (Theo The Marshall Project, Seattles Times, Officer)