Giả sử, trong lúc bí mật giám sát cuộc gọi của nghi phạm buôn ma túy, cảnh sát biết cocaine được giấu tại căn nhà kho bỏ hoang để người bán tới lấy. Dựa trên thông tin này, cảnh sát tới nhà kho và tìm được cocaine. Tuy nhiên, nếu lực lượng chức năng không xin lệnh giám sát cuộc gọi thì băng ghi âm (cây độc) và số cocaine thu được (quả sinh ra từ cây độc) đều không được chấp nhận tại tòa.
Đây là ví dụ của nguyên tắc "cây độc sinh quả độc" - một trong những nguyên tắc pháp lý nền tảng của hệ thống tư pháp hình sự Mỹ. Theo nguyên tắc này, chứng cứ có được từ nguồn trái phép (ví dụ hành động không hợp pháp của cảnh sát) thì không thể được dùng để buộc tội, tương tự như cái cây bị nhiễm độc cũng sẽ cho ra trái cây có độc và không thể ăn được.
Nguyên tắc này nhằm yêu cầu lực lượng chức năng phải có nghĩa vụ thực hiện đúng pháp luật trong quá trình thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án hình sự, từ đó bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người liên quan.
Dù có thể được coi là lẽ dĩ nhiên, quá trình hình thành nguyên tắc "cây độc sinh quả độc" đã phải trải qua nhiều giai đoạn. Trước năm 1914, tòa tối cao Mỹ hoàn toàn không quy định về nguyên tắc loại trừ chứng cứ, nhưng tất cả thay đổi sau vụ kiện Weeks.
Trong sự việc này, nhờ có hàng xóm của Fremont Weeks giúp đỡ, lực lượng chức năng đã tìm thấy chìa khóa vào nhà Weeks để thu thập giấy tờ chứng minh ông ta phạm tội Vận chuyển vé số bằng thư tín. Sau khi bị kết tội, Weeks khởi kiện trên căn cứ tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ nghiêm cấm hành vi khám xét và tịch thu tài sản của người dân trừ phi có lệnh hợp lý.
Tòa tối cao vào năm 1914 đã ra phán quyết cột mốc đồng ý với Weeks vì phía lực lượng chức năng đã không xin lệnh khám trước khi vào nhà của bị cáo. Tài liệu có được từ hành vi sai phạm này vì thế không thể được chấp nhận tại tòa.
Tuy vậy, án lệ Weeks mới chỉ cấm dùng chứng cứ trực tiếp bị thu thập trái phép (diện F1), và chưa đề cập tới chứng cứ diện F2 - tức vật chứng, thông tin, lời khai... phái sinh từ chứng cứ diện F1. Lực lượng chức năng vẫn có thể dùng chứng cứ diện F2 làm cơ sở hợp pháp để tìm ra nhiều chứng cứ chính đáng khác.
Tháng 2/1919, lực lượng chức năng liên bang bắt Frederick Silverthorne cùng cha đẻ - đồng chủ sở hữu một công ty xẻ gỗ, vì nghi trốn thuế. Trong lúc tạm giữ hai nghi can, nhân viên liên bang tịch thu nhiều sổ kế toán và giấy tờ từ văn phòng của Silverthorne mà không có lệnh khám.
Để lách án lệ Weeks, công tố viên sao chép và chụp ảnh số giấy tờ trên rồi trả lại bản gốc cho Silverthorne theo yêu cầu của tòa. Sau đó, bằng thông tin có được sau khi xem bản sao, công tố viên xin được trát thu lại bản gốc. Không đồng ý giao ra bản gốc, Silverthorne khởi kiện vì cho rằng nếu không có lần tịch thu giấy tờ trái phép ban đầu, công tố viên sẽ không thể có căn cứ để xin trát mới.
Một năm sau, năm 1920, tòa tối cao đồng ý với Silverthorne. Tòa tối cao nhận định nếu chỉ loại bỏ chứng cứ bị thu thập trái phép diện F1 mà không đả động tới chứng cứ diện F2, vậy quyền không bị khám xét trái phép của người dân sẽ chỉ còn "tồn tại trên câu chữ". Qua đó, vụ kiện Công ty xẻ gỗ Silverthorne đã trở thành án lệ đầu tiên đặt nền móng cho nguyên tắc "cây độc sinh quả độc".
Qua một số án lệ tiếp theo, nguyên tắc pháp lý "cây độc sinh quả độc" dần được hoàn thiện và được áp dụng cả ở cấp độ tiểu bang.
Đương nhiên, không phải chứng cứ nào được thu thập trái phép cũng nghiễm nhiên bị loại bỏ. Tòa án vẫn có thể chấp nhận trong trường hợp việc cảnh sát phát hiện và thu thập chứng cứ trái phép là điều không thể tránh khỏi bất kể có hành động trái phép hay không.
Ví dụ, khi được hỏi, John Doe phủ nhận liên hệ tới vụ phóng hỏa bằng xăng, nhưng cảnh sát viên tự ý mở thùng xe của Doe và phát hiện can xăng. Do chưa được Doe cho phép, hành động mở thùng xe của cảnh sát viên là trái phép. Tuy nhiên, nếu cũng có nhân chứng xác định Doe có mặt tại hiện trường trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra, cảnh sát viên hoàn toàn có thể xin được lệnh khám xe của Doe. Như vậy, việc phát hiện can xăng là điều không thể tránh khỏi nên tòa án vẫn có thể chấp nhận.
Một trường hợp ngoại lệ khác là khi cảnh sát không có căn cứ hợp lý nhưng vẫn dừng người đi qua đường. Nếu xác minh được người này đang chịu lệnh bắt giữ, cảnh sát có thể bắt và khám xét đối phương, mọi chứng cứ tìm thấy trên cơ thể sau đó đều được chấp nhận.
Bên cạnh hai trường hợp trên, nguyên tắc "cây độc sinh quả độc" vẫn còn một số ngoại lệ tùy theo quy định của tiểu bang và liên bang.
Quốc Đạt (Theo Thoughtco, Nolo, Justia)