Hai nghi phạm đánh bom cuộc đua Boston Marathon. Kẻ đội mũ đen là Tamerlan Tsarnaev, đã chết. Tên còn lại là Dzhokhar Tsarnaev đã bị bắt và bị thương nặng. Ảnh: AFP |
Tamerlan Tsnarnaev, Nghi phạm Một trong vụ đánh bom kép cuộc thi Boston Marathon đã chết hôm 19/4 sau khi bị cảnh sát truy lùng gắt gao. Em trai của y, Dzhokhar Tsarnaev, tức Nghi phạm Hai, bị bắt sau đó không lâu. Tamerlan không thể nói được nữa vì đã chết. Dzhokar nhiều khả năng cũng không thể nói được vì bị trúng đạn ở vùng miệng và sẽ sớm phải đối mặt với công lý. Đó là cái kết không quá xa lạ với những kẻ khủng bố được gọi là "những con sói đơn độc".
Từ công dân Mỹ tới phần tử khủng bố
Điều người ta không ngừng thắc mắc, đó là tại sao và làm thế nào, mà những thanh niên từng được hưởng sự giáo dục của nước Mỹ lại có thể trở thành các phần tử khủng bố.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một sự việc tương tự như vậy. Nước Mỹ từng chứng kiến một vụ thảm sát kinh hoàng ở căn cứ quân sự Fort Hood, Texas, hồi năm 2009, khiến 13 người thiệt mạng. Điều bất ngờ là kẻ chủ mưu của vụ tấn công, thiếu tá - bác sĩ Nidal Malik Hasan, lại từng là một công dân Mỹ ưu tú và sắp đi nhận nhiệm vụ ở nước ngoài.
Tại các diễn đàn trên Internet, Hasan tự nhận y là một tín đồ Hồi giáo cực đoan. Y từng liên hệ với các thành phần khủng bố ở Yemen, và cho rằng việc những người lính theo đạo Hồi xuất hiện trong hàng ngũ quân đội Mỹ là điều không thể chấp nhận.
Anwar al-Awlaki, thủ lĩnh tổ chức khủng bố al Qaeda ở Yemen, khẳng định tên này không hề giao phó nhiệm vụ tấn công nước Mỹ cho Hasan, tuy nhiên cũng không ngăn cản hành động này.
Để tìm hiểu động cơ hành động của hai anh em nhà Tsarnaev (Tamerlan và Dzhokhar), giới phân tích chắc chắn sẽ lục soát hòm thư điện tử của họ, và tìm hiểu xem có bất cứ sự liên hệ nào với các diễn đàn thánh chiến cũng như lực lượng al Qaeda hay không.
Tất nhiên, không loại trừ khả năng họ đã đơn độc thực hiện vụ tấn công này mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài.
'Những chàng trai tốt'
Đừng quên trường hợp của Mohammed Sidique Khan, kẻ cầm đầu vụ đánh bom liều chết nhằm vào hệ thống giao thông của thành phố London, Anh, hồi năm 2005, khiến 52 người thiệt mạng. Khan vốn là một giáo viên tiểu học ở Leeds, thành phố miền bắc nước Anh, sở hữu sự nghiệp thành công và cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Trái với hành động khủng bố dã man, trong mắt bạn bè, đồng nghiệp và người thân, y lại là một người quý ông lịch lãm, tử tế và tốt bụng.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta lại được thấy những mặt nhân cách tốt đẹp ở anh em nhà Tsarnaev.
'Trăm hay không bằng tay quen'
Theo giới phân tích, khả năng hai kẻ khủng bố nghiệp dư có thể đặt thành công hai quả bom chỉ trong vài tích tắc là gần như không thể.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, rõ ràng người ta có thể dễ dàng tìm thấy công thức chế tạo bom ở đâu đó trên Internet, nhưng chế tạo một quả bom có tính sát thương cao lại là chuyện khác. Để làm được điều đó cần có sự luyện tập và hướng dẫn, ngay cả khi những quả bom đó được đặt trong nồi áp suất.
Người Mỹ chắc hẳn chưa thể quên vụ đánh bom bất thành ở Quảng trường Thời đại, New York, hôm 1/5/2010. Kẻ chủ mưu, Faizal Shahzad, sau đó đã thừa nhận, y từng được học về cách chế tạo vũ khí gây sát thương hàng loạt dưới sự hỗ trợ của lực lượng Taliban.
Theo cơ quan điều tra Mỹ, Tamerlan Tsarnaev, tức Nghi phạm Một trong vụ đánh bom Boston, từng dành 6 tháng ở Nga hồi năm ngoái. Tình tiết này chắc hẳn sẽ ít nhiều thu hút sự chú ý của Washington, rằng liệu trong thời gian ở quê nhà, Tsarnaev có từng tham gia một khóa huấn luyện khủng bố nào cùng các phần tử Hồi giáo cực đoan hay không?
Vụ nổ kép ở cuộc đua Boston Marathon làm 3 người chết, trong đó có một trẻ em 8 tuổi, và hơn 170 người bị thương. Các nhân chứng mô tả vụ nổ "giống như tiếng nổ của đại bác vậy". Những bức ảnh được chụp tại hiện trường cho thấy nhiều người được đưa đi trên cáng, có người đàn ông được đưa lên xe đẩy với máu dính đầy trên mặt và chân. Ảnh: DobsonAgency |
Sự gắn kết với quê hương
Trong những năm hậu 11/9, hàng chục thanh niên Mỹ gốc Somali đã quyết định trở về quê hương và góp mình trong cuộc nội chiến ở đó.
Với những người này, tình hình ở quê nhà đôi lúc còn ý nghĩa và quan trọng hơn cha mẹ họ, những người đã bỏ lại đất nước châu Phi nghèo khổ ở sau lưng, và đi tìm "giấc mơ Mỹ".
Vụ việc khiến người ta liên tưởng tới trường hợp của Tamerlan Tsarnaev, khi thông tin về việc y là một thành phần Hồi giáo cực đoan và có ý định rời khỏi nước Mỹ để tham gia một hội kín được chính phủ Nga cung cấp.
Tự chọn cái chết
Giới quan sát đã rất ngạc nhiên khi biết anh em Tsarnaev từng mang trên người rất nhiều chất gây nổ trong trận đấu súng với cảnh sát tối thứ 5 tuần trước.
Phải chăng họ đã lên kế hoạch đánh bom liều chết ngay từ đầu, giống như thiếu tá Hasan, kẻ đã liều mình tấn công vào căn cứ quân sự Fort Hood, nơi tập trung một lượng lớn lính có vũ trang, và biết rõ đó là điều cuối cùng hắn có thể làm trước khi chết.
Tương tự như vậy, phải chăng cái chết của Tamerlan không hề nằm ngoài tính toán của y?
'Những con sói đơn độc'
Tấn công Boston Marathon, khiến ba người chết và gần 200 người bị thương, sát hại một cảnh sát tại Học viện Công nghệ Massachusetts, và gây ra tình trạng bất ổn trên toàn thành phố hồi tuần trước, liệu có kẻ nào đã đứng sau và giật dây cho hành động của hai anh em nhà Tsarnaev?
Giới chức Boston cho biết, họ chưa hề ghi nhận bất cứ sự hỗ trợ nào dành cho anh em Tsarnaev. Có thể họ cũng giống như Hasan, hoàn toàn đơn độc trong vụ tấn công Fort Hood, vượt qua hàng rào an ninh "thép" và khiến 13 người thiệt mạng.
Quỳnh Hoa (Theo CNN)