Vào ngày 12/10/2000, một trong những tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Mỹ, tàu khu trục USS Cole thuộc lớp Arleigh Burke, bị tổ chức khủng bố al-Qaeda tấn công bằng một vụ đánh bom tự sát. 17 thủy thủ thiệt mạng và con tàu bị hư hỏng nặng.
Khi đó tàu đang đến cảng Aden, Yemen để tiếp nhiên liệu. Đây là con tàu được trang bị nhiều hệ thống phòng thủ, đánh chặn hiện đại thời đó, trong đó có tên lửa Aegis. Tàu từng tham gia nhiều trận đánh trong suốt hơn 20 năm phục vụ và chưa từng phải hứng chịu bất cứ thiệt hại nào.
Sau khi tiếp nhiên liệu xong, các thủy thủ trên tàu USS Cole đang nghỉ ngơi thì bất ngờ phát hiện một chiếc tàu cá từ từ tiếp cận chiếc tàu chiến Mỹ, sau đó tăng tốc rồi kích nổ 300 kg thuốc nổ. Vụ đánh bom tự sát trên biển này đã khiến thân tàu USS Cole bị xé toạc một lỗ lớn ở mạn trái và hải quân Mỹ đã phải bỏ ra 243 triệu USD để sửa chữa.
Đây là thiệt hại nặng nhất của Hải quân Mỹ kể từ sau vụ bắn nhầm vào tàu khu trục USS Stark vào năm 1987, khi chiến tranh Iran-Iraq đang nổ ra. Con tàu bị một chiến đấu cơ của Iraq bắn nhầm tên lửa khi đang tuần tra ngoài khơi bờ biển Saudi Arabia.
Dù tàu USS Cole được vũ trang đầy đủ nhưng các binh sĩ đã bất lực nhìn tàu cá thực hiện cuộc tấn công. Họ không được phép khai hỏa, bởi chỉ một viên đạn được bắn đi cũng đủ gây ra những rắc rối về ngoại giao.
Vụ việc đặt ra yêu cầu về một loại vũ khí không gây thương tích nhưng phải thật hiệu quả để ngăn chặn các cuộc tấn công nguy hiểm.
Đáp ứng nhu cầu này, các nhà kỹ thuật quân sự đã thiết kế LRAD - Long Range Acoustic Device (Thiết bị âm thanh tầm xa). Đây là hệ thống có khả năng khuếch đại, hội tụ truyền sóng âm thành luồng định hướng.
Khi hoạt động, LRAD có thể phát ra âm thanh có cường độ âm lên đến 155dB, đủ để khiến bất kỳ người bình thường nào phải đau đầu nhức óc. Các kỹ sư đã ví LRAD như một chiếc còng tay vô hình, buộc đối phương phải lập tức buông vũ khí để đưa hai tay lên bịt chặt tai trước luồng sóng âm khủng khiếp đó.
Với thiết kế này, hệ thống LRAD có thể phát ra một luồng sóng âm vượt quá "ngưỡng đau" của tai con người trong phạm vi 500 mét, theo sau đó là lời cảnh báo để răn đe hoặc ngăn chặn những hành động quá khích, Defense Update cho hay.
Hệ thống LRAD đã được lắp đặt trên các tàu hải quân Mỹ tuần tra ở cảng Basra, Iraq, để liên lạc và cảnh báo những tàu thuyền đi lại xung quanh các cơ sở dầu mỏ, với phạm vi cảnh báo có thể lên tới 1.000 m. Nó cũng được dùng trên các tàu buôn để tạo ra một khu vực bảo vệ bằng sóng âm xung quanh tàu, ngăn chặn các cuộc tấn công của cướp biển.
Vào ngày 7/11/2005, LRAD được sử dụng lần đầu tiên để ngăn chặn một vụ tấn công của cướp biển vào tàu chở khách hạng sang Seabourn ở vùng biển cách bờ biển Somali 160 km. Khi những tên cướp biển trang bị súng phóng lựu đi xuồng tìm cách áp sát để tấn công con tàu, hệ thống LRAD đã được kích hoạt, khiến chúng phải quay đầu bỏ chạy.
Công ty Phodio chuyên phân phối sản phẩm LRAD ở Anh cho biết loại vũ khí sóng âm này đã được sử dụng trong nhiều năm trên các tàu hải quân, trong các chiến dịch chống cướp biển và giải tán người biểu tình hoặc đám đông nổi loạn. Ngoài việc được sử dụng như một vũ khí răn đe, LRAD còn có thể là hệ thống truyền thanh hiệu quả trong môi trường ồn ào, khi có thể phát đi thông điệp âm thanh xa hàng trăm mét mà gần như không bị suy giảm cường độ.
Gây cảm giác khó chịu nhưng không gây sát thương, LRAD phù hợp với nhiệm vụ ngăn chặn các hoạt động khủng bố, phá hoại như những gì đã xảy ra với USS Cole năm 2000.
Video: Sức mạnh của hệ thống LRAD khi được đưa ra thử nghiệm.
Trí Dũng