Câu chuyện Công Phượng đầu quân cho CLB Sint-Truiden của Bỉ đang tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt trên VnExpress. Bên cạnh những ý kiến hoài nghi về khả năng thành công của tiền đạo xứ Nghệ tại trờ Âu, không ít người lại cho rằng dù 90% có thể thất bại, nhưng đó là một thất bại có giá trị:
Tôi cũng ủng hộ Công Phượng sang châu Âu thi đấu. Thứ nhất là để thoả mãn sự tò mò của người hâm mộ. Thứ hai là để tiên phong cho thế hệ sau, có thể 90% là thất bại, nhưng đó sẽ là tiền đề, bài học để sau này chúng ta có được cầu thủ A, cầu thủ B nào đó thi đấu thành công ở châu Âu. Bài học nào cũng có cái giá của nó. Công Phượng đã có quyết định mạo hiểm, chúng ta nên ủng hộ và trân trọng người tiên phong như em, "ném đá, dìm hàng" chẳng có lợi ích gì. Thứ ba là soi đi xét lại như lời bầu Đức nói thì chẳng thấy có mất mát gì, có cơ hội thì tại sao không thử, mà đợi đến bao giờ nữa? Nếu khi xưa bầu Đức đợi chắc còn lâu mới làm, không tiên phong, không đào tạo cầu thủ theo mô hình nước ngoài, thì bóng đá Việt Nam chắc cứ phải đợi thời, chứ không phải được thu hoạch như bây giờ. Vì vậy cứ thử đi, người trong cuộc tâm huyết với bóng đá nước nhà như vậy, là người hâm mộ, chúng ta nên thưởng thức và cổ vũ thay vì chê bai.
Về phương diện cá nhân, Phượng vẫn nên đi vì đó là cơ hội cho em mở mang tầm mắt, kiến thức và khát khao. Về phương diện nền bóng đá nước nhà, em lại càng nên đi. Em đi để tạo nên cái khát khao cháy bỏng cho những thế hệ tiếp theo phấn đấu. Có thể thấy khả năng cao em sẽ thất bại, nhưng thất bại của em và còn rất nhiều thế hệ tiếp theo tiếp sau nữa mới mong có một ngày thành công. Còn tư tưởng của sợ thất bại, thích an toàn thì không thể tiến bộ được!
Muốn ra nước ngoài thi đấu thì ngoài chuyên môn và nỗ lực rèn luyện ra, còn cần ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc với các nền văn hoá khác, ở đây là châu Âu. Nhiều người có lẽ quên mất điều này, sang những môi trường mới, chưa từng có người Việt, thì khả năng giao tiếp phải tốt, không như các ngành nghề khác có phiên dịch theo kèm hỗ trợ. Cứ cho là Công Phương chưa phải xuất sắc nhất nhưng tổng hợp các kỹ năng lại thì em ấy vượt trội hơn và tự tin để ra ngoài thi đấu. Thử hỏi giờ trong số các cầu thủ giỏi ở đội tuyển có thể giao tiếp tiếng Anh tốt, có bao nhiều người có thể một mình độc lập ở đội bóng châu Âu?
Rất nhiều người đọc về những nhân vật nổi tiếng thì đều tấm tắc khi họ kể về việc không ngừng đứng dậy làm lại mỗi khi thất bại. Thậm chí còn lấy đó làm bài học để dạy bảo cho con em họ. Nhưng khi được sống cùng thời đại với những con người đang cố gắng thực hiện ước mơ, dám xông pha ra thế giới bên ngoài rộng lớn, dám đứng lên sau 1-2 lần thất bại thì họ ra sức dè bỉu, chê bai. Đấy chính là biểu hiện của việc không dám mơ, không dám làm và lòng đố kỵ.
Nhìn ra quốc tế một chút, Ronaldo cũng phải cải thiện các kỹ năng như đánh đầu, tỳ đè, thể trạng. Messi lúc khởi nghiệp cũng dứt điểm chưa tốt, chỉ ấn tượng ở kỹ thuật, sau này thì như các bạn đã biết. Quan trọng là họ đã khắc phục được nhiều điểm yếu để vươn lên. Hy vọng Công Phượng hiểu điều đó: cải thiện khả năng dứt điểm, nâng cao thể trạng, tầm nhìn và tư duy chiến thuật, hạn chế cầm bóng nếu không cần thiết. Nếu làm được, Phượng sẽ là cầu thủ giỏi của châu Á.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.