Sáng nay thay vì dậy sớm, chạy xe hơn 20 km từ Biên Hoà (Đồng Nai) đến nhà máy ở TP HCM làm việc, chị Phan Thị Thanh Hòa, 38 tuổi, công nhân 12 năm gắn bó Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) tạm xin nghỉ việc.
Hôm qua khi nhận thông tin Đồng Nai áp dụng cách ly người đi, về từ TP HCM, chị Hòa và nhiều đồng nghiệp cảm thấy bối rối. Công ty khuyến khích công nhân bám nhà máy đảm bảo đơn hàng nhưng nếu chị ở lại Sài Gòn 21 ngày, những hôm chồng làm ca đêm, con nhỏ 5 tuổi ở nhà không ai trông. Lúc này, việc thuê phòng nghỉ rất khó, chi phí đắt đỏ, ở nhờ nhà trọ đồng nghiệp cũng không được vì dịch ai cũng hạn chế người lạ.
Những trường hợp nghỉ việc như chị Hòa sẽ được công ty trả 70% lương cơ bản. Nữ công nhân nói rằng thu nhập hàng tháng trông chờ vào tiền tăng ca nên khi nghỉ việc thu nhập giảm gần một nửa. Chị hy vọng tình trạng này chỉ vài ngày rồi có phương án khác "chứ kiểu này gia đình sẽ gặp khó khăn".
Trong khi đó, ngày hôm qua, những người Sài Gòn làm việc ở Đồng Nai như anh Phạm Hoàng Việt, 34 tuổi, nhà ở TP Thủ Đức, làm việc Công ty Pinaco ở Nhơn Trạch, vội vàng gom ít áo quần, vật dụng cá nhân rời nhà chuẩn bị cho đợt "cắm chốt 21 ngày" ở nhà máy. Khi Đồng Nai thông báo cách ly người từ TP HCM, công ty cho người lao động lựa chọn làm việc tại nhà hoặc ăn ở tại nhà máy.
"Một số bạn nữ làm văn phòng, có con nhỏ chọn ở nhà. Những người trực tiếp sản xuất như tôi muốn hay không cũng phải xuống nhà máy", anh Việt nói rằng hơn 30 người được sắp xếp sinh hoạt tại công ty.
Với hơn 500 lao động Đồng Nai làm việc ở nhà máy, trước mắt Công ty TNHH Jabil Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) hỗ trợ mỗi người 300.000 đồng để thuê nhà nghỉ trong hai ngày cuối tuần. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch công đoàn cho biết nhà xưởng không đủ rộng nên phương án bố trí công nhân ăn, ngủ tại nhà máy không khả thi. Với số lượng người quá lớn, công ty không thể thuê khách sạn, nhà nghỉ ngay trong một ngày, chưa kể các nơi này đang đóng cửa phòng dịch.
Ông Trung nói thêm nếu Đồng Nai không thay đổi biện pháp cách ly, nhà máy phải tính lại phương án sản xuất với số lao động trên. Với những lao động đang ký hợp đồng thời vụ, công ty sẽ cho nghỉ chờ việc, tuần đầu tiên trả 70% lương, tuần thứ hai có thể sẽ về 0. "Để kịp đơn hàng, công ty đề nghị những lao động còn lại tăng ca, nhưng cũng khó đảm bảo được tiến độ", ông Trung nói.
Bà Lê Bích Loan, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, ngay khi Đồng Nai thông báo cách ly 21 ngày với người từ TP HCM, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng ảnh hưởng sản xuất do người lao động ở tỉnh này làm việc tại đây khá nhiều. Trước mắt các doanh nghiệp thuê khách sạn, chung cư, nhà trọ quanh khu công nghệ cao cho lao động ở lại, về lâu dài lên phương án bố trí lều trại, ăn ngủ tại nhà máy.
Ngoài Khu công nghệ cao, thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), hàng ngày có hơn 6.000 lao động ở Đồng Nai đến các khu chế xuất, khu công nghiệp Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam tại TP HCM làm việc.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho rằng, nếu người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ khó đảm bảo được mục tiêu kép "vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch".
Sáng 5/6, khá đông xe tập trung ở các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Đồng Nai (cầu Đồng Nai, trạm thu phí Hóa An qua quốc lộ 1K, phà Cát Lái qua huyện Nhơn Trạch) khai báo y tế sau khi địa phương nay tăng cường giám sát chặt người ra vào.
Là cửa ngõ chính từ TP HCM, Bình Dương đi các tỉnh thành Đông Nam bộ nên quốc lộ 1K tập trung nhiều xe nối đuôi nhau. Theo một nhân viên y tế, tránh tình trạng đông người ở khu vực khai báo y tế, chốt chỉ kiểm soát một phần xe vào Đồng Nai.
Trong khi đó, tại phà Cát Lát ở phía Nhơn Trạch sáng nay hơn chục CSGT, cơ động, nhân viên y tế túc trực ở chốt kiểm soát đo thân nhiệt từng người đi xe máy, ôtô qua đây. Chốt có 2 bàn làm việc để ghi nhận khai báo y tế với người từ TP HCM về Đồng Nai và ngược lại. Nhiều tài xế xe tải chở hàng tỏ ra bức xúc vì sau khi khai báo nhưng không được cho qua chốt.
"Tôi chở ốc, vít của công ty từ quận 11 về khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, nhưng họ nói đây là mặt hàng không thiết yếu nên buộc phải quay đầu xe về lại TP HCM", tài xế Nguyễn Tấn Ninh nói.
Hôm qua, UBND Đồng Nai ra văn bản yêu cầu người đến từ TP HCM phải cách ly 21 ngày ở nhà hoặc cơ sở lưu trú. Những người này phải lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày cách ly thứ 7 và 14, tự trả chi phí. Những người không khai báo và chấp hành sẽ bị xử lý.
Quyết định nói trên của Đồng Nai khiến nhiều người dân, doanh nghiệp lúng túng. Bởi theo thống kê, hàng ngày có hơn 6.000 người ở Đồng Nai đến TP HCM làm việc. Ngược lại, có hơn 10.000 lao động, chuyên giao ở TP HCM đến Đồng Nai làm tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra có nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP.HCM, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
UBND TP.HCM đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TP.HCM và ngược lại để làm việc.
Trưa nay, sau khoảng 10 tiếng thực hiện cách ly 21 ngày người đến từ TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép người dân được qua lại giữa hai địa phương.
Lê Tuyết - Phước Tuấn - Đình Văn - Hoàng Nam