"Thu nhập này chưa đáp ứng được chi phí sinh hoạt khi giá cả đắt đỏ, nhất là với gia đình nuôi con nhỏ", ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động Hà Nội, chia sẻ với báo giới chiều 11/10.
Ông Dưỡng cho biết làn sóng cắt giảm việc làm tiếp diễn một năm qua khiến thu nhập lao động càng giảm sút. Tới quý III/2023, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ vẫn thiếu hụt đơn hàng.
Toàn thành phố có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 doanh nghiệp, 80% trong số này là người ngoại tỉnh. Riêng các khu công nghiệp thu hút khoảng 165.000 người và nhà ở là vấn đề bức xúc nhất với lao động.
Đại diện công đoàn Hà Nội nêu thực tế khu nhà ở công nhân ở Kim Chung (Đông Anh) mới đáp ứng được 30% nhu cầu, 70% còn lại phải thuê trọ ngoài dân cư. Khu nhà Kim Chung tồn tại nhiều bất cập, hàng loạt phòng trống nhưng lao động không thuê được hoặc thiết kế không hợp lý. Ví dụ một phòng 20 công nhân sinh hoạt, nhưng chỉ có một nhà vệ sinh.
Theo ông Dưỡng, Liên đoàn tiếp nhận nhiều góp ý của lao động mong muốn Luật Nhà ở sửa đổi sớm hoàn thiện cơ chế cho người thu nhập thấp tiếp cận với mức giá hợp lý. Đồng thời, điều kiện mua nhà cũng cần thay đổi do đã lỗi thời với người thu nhập thấp.
Ông Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động Hà Nội, cho rằng để người lao động cống hiến cho thành phố, ngoài đảm bảo thu nhập, các cấp phải quan tâm đến nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa cho công nhân. Các khu công nghiệp hiện thiếu nơi vui chơi giải trí cho người lao động vì quỹ đất lẫn nguồn lực có hạn.
"Trong tương lai khi thành lập khu công nghiệp mới, thành phố cần dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế này, nâng cao đời sống để lao động gắn bó với Thủ đô", ông nói.
Hồi tháng 8, Viện Công nhân Công đoàn công bố kết quả khảo sát đời sống gần 3.000 lao động tại 6 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM. Thu nhập trung bình của lao động đạt 7,88 triệu đồng. 77% trong đó là lương cơ bản, còn lại từ làm thêm giờ và trợ cấp, phụ cấp.
Chỉ 24,5% lao động cho biết thu nhập vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc có hay không nên lập gia đình và quyết định có con của 72% công nhân.
Một số khảo sát hai năm qua của công đoàn cho kết quả tỷ lệ công nhân có tiết kiệm chỉ dao động 10%, trong khi gần 60% không một đồng tích lũy, thậm chí thường xuyên vay nợ để chi tiêu. Mức thu nhập hiện tại của lao động chỉ đáp ứng được 70-80% chi tiêu. Do vậy, việc sở hữu một căn nhà ở xã hội ở Hà Nội nằm ngoài tầm với của nhiều người lao động. Nếu thắt lưng buộc bụng cũng mất vài chục năm mới có thể mua.
Giá nhà ở xã hội ở Hà Nội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, song điều kiện mua đã lỗi thời. Ví dụ, cách xác định "người thu nhập thấp" các thành phố lớn là thành viên trong gia đình không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, còn điều kiện về cư trú, hồ sơ giấy tờ rất phức tạp... nên lao động khu công nghiệp hầu như không thể tiếp cận.
Hồng Chiêu