Bốn tháng trước, anh Hứa Văn Tài, 23 tuổi, từ Bình Phước xuống TP HCM tìm việc. Anh được công ty cung ứng lao động đưa vào làm thời vụ tại nhà máy Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) mà không cần hồ sơ xin việc.
Nam công nhân nói rằng người tìm việc chỉ cần có chứng minh nhân dân bản chính, bên cung ứng giữ 7 ngày rồi trả lại. Hai bên không ký hợp đồng lao động. Toàn bộ thu nhập gồm lương căn bản hơn 4,7 triệu đồng, các khoản hỗ trợ đi lại, nhà ở, tăng ca và phần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gần một triệu đồng sẽ được công ty cung ứng trả định kỳ qua tài khoản. Nếu làm đủ 22 ngày công, đi ca 12 tiếng, mỗi tháng anh kiếm được gần chục triệu đồng.
"Tôi ráng cày một thời gian để phụ mẹ nuôi em ăn học", anh Tài nói và thừa nhận biết rõ làm thời vụ sẽ không có được phúc lợi như công nhân chính thức, không có khoản thưởng vào dịp lễ, Tết, ốm đau, tai nạn không có bảo hiểm. Thế nhưng anh vẫn chấp nhận vì thu nhập cao hơn do được nhận khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng vào kỳ lương.
Anh Tài là một trong khoảng 2.700 công nhân đang làm thời vụ, chiếm 50% nhân sự tại nhà máy Nidec Việt Nam. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết số lao động này được 20 đơn vị cung ứng nhân lực cung cấp, trực tiếp quản lý, trả lương.
Ngoài Nidec Việt Nam, thời gian qua một số nhà máy ở Khu công nghệ cao cũng sử dụng lao động thời vụ. Tháng 7 năm ngoái, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 17 nhà máy trong khu, cơ quan chức năng TP Thủ Đức đã ghi nhận số lao động thực tế cao hơn 20.000 người so với đăng ký. Khi đối chiếu với danh sách đóng bảo hiểm xã hội, một số công ty điện tử chênh lệch 1.000-3.000 người.
Về lý do sử dụng lao động thời vụ, ông Lưu Kim Hồng cho rằng nhà máy khó tuyển được nhân sự chính thức. Nhiều trường hợp làm tốt, công ty muốn giữ lại nên đề nghị ký hợp đồng trực tiếp nhưng công nhân không chịu do muốn nhận cả phần bảo hiểm để lương cao hơn. Ngoài ra, nếu thấy không hài lòng với công việc họ sẽ nghỉ ngay mà không phải báo trước 30-45 ngày theo quy định.
Giám đốc nhân sự một công ty điện tử 100% vốn FDI trong Khu công nghệ cao giải thích thêm nhiều nhà máy ở Việt Nam bị các công ty mẹ ở nước ngoài giới hạn số lượng nhân sự chính thức, buộc phải sử dụng thời vụ. Việc này giúp các nhà máy cắt giảm chi phí quản lý, đào tạo, các khoản phúc lợi như thưởng lễ, Tết hoặc không phải đóng kinh phí công đoàn...
Người quản lý nhân sự ví dụ muốn cho một công nhân chính thức nghỉ việc cần qua nhiều thủ tục. Nhà máy muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn phải đền bù, nhưng với lao động thời vụ chỉ cần thông báo với đơn vị cung ứng, công nhân đó sẽ nghỉ việc vào hôm sau. Tương tự, khi cần người mới sẽ được đáp ứng ngay, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian tìm người, phỏng vấn.
TS Phạm Thị Thu Lan, Viện Phó Viện Công nhân - Công đoàn, cho rằng một công việc được xem là thời vụ khi phát sinh đột xuất, tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Các nhà máy sử dụng lao động trong thời gian dài, làm các công việc lặp lại, có tính chất thường xuyên thì phải được xác định là việc làm chính thức.
Theo bà Lan, tình trạng các nhà máy phối hợp các công ty cung ứng nhân lực thuê công nhân nhưng không khai báo lao động và đóng bảo hiểm xã hội đã đẩy họ từ những người làm các công việc chính thức sang nhóm phi chính thức."Đó là một dạng lách luật nhưng bị thanh tra lao động bỏ qua", nữ tiến sĩ nói.
Hiện, việc bảo vệ lao động phi chính thức vẫn còn khoảng trống trong Bộ luật lao động. Công nhân thời vụ nghỉ việc không có trợ cấp thất nghiệp, ốm đau không có bảo hiểm y tế, nguy cơ bị bỏ mặc nếu gặp tai nạn lao động. Ngay cả các chính sách hỗ trợ của nhà nước như giúp đỡ công nhân mất việc, tạm hoãn hợp đồng do dịch, gói nhà trọ... đều ưu tiên cho nhóm có tham gia bảo hiểm xã hội, tức lao động chính thức.
Bà Lan cho rằng nếu các nhà máy tiếp tục sử dụng công nhân thời vụ sẽ làm cho thị trường lao động méo mó. Người lao động càng yếu thế hơn bởi các quyền cơ bản không được đảm bảo.
Ông Lưu Kim Hồng nói thêm ngay cả khoản bảo hiểm được nhận trực tiếp, công nhân chỉ lợi trước mắt nhưng thiệt hại về lâu dài. Nếu người lao động ốm đau, tai nạn lao động chắc chắn phần tiền đã nhận không thể bù đắp được.
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM Nguyễn Quốc Thanh cho biết theo quy định doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động làm việc từ đủ một tháng. Dù không có hợp đồng lao động nhưng thông qua việc trả lương định kỳ, mối quan hệ lao động đã được xác lập. Việc các công ty trả chi phí bảo hiểm vào lương cho công nhân là sai, có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM cho rằng theo quy định, từ ngày 1/1, chỉ có 20 công việc doanh nghiệp được phép thuê lại lao động từ đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc một bên thứ ba như phiên dịch, trợ lý, lễ tân... Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đang lạm dụng, sử dụng công nhân thời vụ, đẩy hết trách nhiệm ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho nhà thầu.
Theo ông Lâm, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuê lại lao động cần áp dụng đúng các danh mục công việc được pháp luật cho phép. Quá trình sử dụng, doanh nghiệp phải giám sát trách nhiệm của nhà thầu, nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
Lê Tuyết