Tại hội thảo ngày 6/10, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết cả nước có khoảng 4,1 triệu công nhân đang làm việc tại 291 khu, cụm công nghiệp. Gia tăng lao động tại các thành phố lớn tạo áp lực lên mạng lưới trường lớp mầm non. Công nhân phần lớn phải mang con đi gửi nhóm trẻ hoặc trường tư vì không có hộ khẩu.
TP Hải Phòng có 16 khu cụm công nghiệp, song không có nhà trẻ mẫu giáo, trong khi hơn 308.000 lao động đang làm việc và 190.000 trong số đó là nữ (chiếm 60%). Công nhân phần lớn trong tuổi sinh sản, nhu cầu gửi con ở nhà trẻ rất lớn. Bà Phạm Thu Thưởng, Phó ban Tuyên giáo nữ công Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, nói "việc gửi con ở đâu để đi làm trở thành nỗi lo hàng ngày của công nhân".
Quy hoạch lẫn mạng lưới mầm non công lập của Hải Phòng hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Với 330 trường mầm non (238 công lập, 92 ngoài công lập); 280 nhóm lớp độc lập tư thục được cấp phép và hơn 4.300 nhóm lớp, nhưng thành phố có tới hơn 115.200 trẻ mầm non đến trường. Nhiều giáo viên mầm non công lập thôi việc vì lương, chế độ phúc lợi chưa thỏa đáng.
Theo bà Thưởng, công nhân nhập cư chỉ có giấy tạm trú rất khó xin cho con vào cơ sở công lập vì trường phải ưu tiên cho con của lao động định cư trên địa bàn. Mầm non công lập cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của công nhân vì họ thường xuyên tăng ca, trong khi trường chỉ giữ trẻ giờ hành chính. Trường tư thì chi phí cao, lương công nhân lại thấp buộc họ phải gửi con vào nhóm trẻ.
Giữa trường tư với nhóm lớp trông trẻ có sự chênh lệch rất lớn về cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn. Giáo viên ở nhóm lớp thường thu nhập thấp, thiếu chế độ phúc lợi và thường không được, hoặc không có nhu cầu đầu tư học tập nâng cao trình độ. Sự chênh lệch dẫn tới trẻ gửi ở những cơ sở này có nguy cơ bị bạo hành lớn hơn ở nơi khác.
Để bù đắp những thiếu hụt trên, công đoàn thành phố đã vận động một số doanh nghiệp lập nhà trẻ cho con lao động hoặc hỗ trợ tiền trông 50.000-250.000 đồng mỗi tháng; cộng dồn giờ nghỉ hàng ngày để có thêm ngày nghỉ trong tháng cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ. Công đoàn cũng nhiều lần kiến nghị UBND dành quỹ đất xây trường mầm non, khu nhà ở, công trình dịch vụ cho công nhân, tính điện nước giá thấp và có thêm đãi ngộ cho giáo viên mầm non...
TP HCM đối mặt với sự thiếu hụt điểm trông trẻ trầm trọng hơn. Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, cho biết gần 170.000 lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất và 35% trong số này nuôi con dưới 6 tuổi.
Thành phố hiện có trên 1.300 trường mầm non (468 cơ sở công lập) chủ yếu nằm ở địa bàn đông dân cư; có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và công nghệ cao, nhưng chỉ 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu này, trông hơn 8.800 cháu là con công nhân và mới đáp ứng được một phần.
Theo bà Thúy, do nhu cầu lao động, từ năm 2014 công đoàn thành phố đã kiến nghị với UBND TP HCM có chính sách thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân các khu công nghiệp, chế xuất. Thời gian tăng thêm từ 16h30 đến 17h30 thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần. Chính sách thực hiện ở một số địa bàn đông công nhân và dần mở rộng, song điều này bất cập cho đội ngũ giáo viên khi họ khó tái tạo sức lao động.
Ngoài nỗi lo thiếu nơi gửi trẻ, đại diện công đoàn còn chỉ ra nhiều bất cập trong Nghị định 105/2020 về chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có hỗ trợ cho con em công nhân. Theo nghị định này, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp, bảo đảm điều kiện sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng mỗi tháng. Trẻ em đang học tại đây, có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp có ký hợp đồng lao động thì được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng một tháng.
Tuy nhiên, cơ sở giáo dục cần có từ 30% trẻ là con công nhân lao động làm việc trong khu công nghiệp mới được hỗ trợ khiến nhiều cơ sở mầm non dân lập, tư thục không đủ điều kiện. Thống kê của công đoàn cho thấy nhiều tỉnh đã có quyết định hỗ trợ, nhưng chưa có giáo viên hay trẻ nào nhận được tiền.
Ông Trần Kim Long, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình, cho biết toàn tỉnh có 150.000 lao động đang làm việc; 146 trường mầm non, gần 2.100 nhóm lớp mẫu giáo. Nếu chiếu theo quy định trên, Ninh Bình chỉ có 9 cơ sở đủ điều kiện được hỗ trợ trang thiết bị đồ chơi với tổng kinh phí 180 triệu đồng, trong khi thủ tục thụ hưởng rất rườm rà.
Chung quan điểm, bà Lê Thị Kim Thúy, Liên đoàn Lao động TP HCM, cũng cho rằng không phải cơ sở nào cũng đảm bảo được "30% trẻ là con công nhân". Thành phố hiện còn hơn 2.000 trẻ và 97 giáo viên đã lập danh sách hưởng trợ cấp vẫn chờ duyệt.
Bà Cù Thị Thủy, Vụ phó Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói ngành giáo dục khi xây dựng chính sách này mong muốn con công nhân lẫn giáo viên trong khu công nghiệp được hưởng quyền lợi và cân đối trên cả nước. Tuy vậy, bà thừa nhận tiêu chí trên là rào cản và tạo nên sự không công bằng trong một trường khi có giáo viên được hỗ trợ còn người khác thì không.
Tham gia khảo sát tại nhiều khu công nghiệp, bà nghe công nhân phản ánh làm hồ sơ phải xin xét duyệt qua nhiều tầng nấc khiến họ nản lòng. Thêm nữa, năm học thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, nhưng ngân sách chi của địa phương lại theo năm tài chính. Vì vậy, bà ghi nhận ý kiến phản ánh của công đoàn và sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Theo thống kê, 70% công nhân cả nước thuộc nhóm thu nhập thấp dưới 10 triệu đồng và phải đi ở trọ. Lao động hầu như không có khả năng mua nhà, khi chi phí phòng trọ, nuôi con đã khiến họ không còn tích lũy. 40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân trông nom, gần 22% gửi ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ tư nhân. Công nhân xa con ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm gia đình. Họ cũng không có nhiều thời gian chăm sóc con cái khi phải tăng ca.
Hồng Chiêu