Quy định trên được nêu trong dự thảo Thông tư Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Ngoài rác thải rắn chưa phân loại, công nhân môi trường cũng có quyền từ chối thu gom rác không đúng với loại được phân công thu gom.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, về quy trình thu gom, công nhân sẽ đẩy xe dọc ngõ, gõ kẻng, báo hiệu hoặc theo quy định của từng địa phương. Nguyên tắc đảm bảo tại mỗi cụm 10-20 hộ dân, công nhân dừng xe thu gom rác và gõ kẻng báo hiệu, chờ 3 phút. Đối với ngõ nhỏ, ngắn hơn 20 m, công nhân gõ kẻng, chờ 5 phút; ngõ sâu hơn sẽ đi vào bên trong gõ kẻng, chờ 5-7 phút.
Khi thu gom rác tại khu dân cư đến điểm tập kết bằng xe đẩy tay, mỗi công nhân được phân công thu gom một loại rác thay vì gom chung như hiện nay. Tương ứng, mỗi loại chất thải được thu gom trên một phương tiện, bao gồm có khả năng tái sử dụng, tái chế, thực phẩm và các loại khác.
Trong đó, chất thải thực phẩm phải được thu gom trong phương tiện kín khít, nước rỉ rác không chảy trong quá trình xe di chuyển. Trên ngõ xóm, hẻm không được để tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại theo đúng chủng loại được phân công thu gom.
Ngoài ra, công nhân sẽ theo dõi hộ dân vi phạm, phản ánh tới lực lượng phụ trách vệ sinh môi trường của địa phương.
Đầu tháng 3, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đã có 30 tỉnh, thành phố ban hành hướng dẫn phân loại rác thải tại hộ gia đình, bắt đầu mô hình thí điểm trước khi triển khai ở quy mô toàn địa bàn.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải phân loại rác tại nguồn. Để thực hiện quy định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành ba thông tư, hai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và một hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó, Thông tư về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại, dự kiến ban hành tháng 6/2024.
Năm 2023, cả nước phát sinh 24,5 triệu tấn rác thải và 1.456 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 7 cơ sở phát điện, 476 cơ sở đốt không phát điện, 951 cơ sở chôn lấp.