Sau ba năm làm việc, anh Lê Xuân Trường, 23 tuổi, công nhân nhà máy Top Opto ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) quyết định nghỉ việc ra chạy xe ôm công nghệ, để dành tiền học nghề tóc. Trước khi nghỉ làm, lương cơ bản của anh khoảng 4,9 triệu đồng, chịu khó tăng ca, mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Nam công nhân nói rằng với người chưa có gia đình, số tiền trên đủ sống nhưng luôn cảm thấy tù túng vì phải đến xưởng sản xuất suốt 12 tiếng. Vốn thích nghề tóc, Trường quyết định bỏ nhà máy, đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Việc mới không gò bó thời gian, giúp anh có cơ hội theo đuổi nghề mình thích.
Tương tự, để linh động được thời gian, chị Trần Thị Kiều Linh, 36 tuổi, quyết định xin vào làm công nhân thời vụ tại Công ty cổ phần quốc tế Dony (quận Tân Bình). Với mỗi ngày làm việc, chị nhận được 350.000 đồng, nhận vào mỗi cuối tuần. Làm thời vụ nên khi gia đình có việc chị chỉ cần báo với quản lý không đến xưởng, không mất khoản chuyên cần. Mỗi ngày, chị làm đủ 8 tiếng là ra về.
Nữ công nhân lý giải, chồng làm thợ hồ, giờ giấc thất thường nên chị muốn tìm công việc đi giờ hành chính để có thời gian đưa đón hai con đi học. "Nếu vào chính thức, nhà máy tổ chức tăng ca mà mình không làm cũng khó coi", chị nói. Ngoài ra, nếu cảm thấy môi trường làm việc không tốt, chị sẽ nghỉ việc tìm chỗ mới mà không phải báo trước 30 ngày như người ký hợp đồng lao động dài hạn
Chị Kiều Linh không phải là trường hợp duy nhất ở nhà máy Dony. Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc công ty, nói nếu trước khi Covid-19 xuất hiện, công nhân muốn tìm công việc ổn định, có đóng bảo hiểm xã hội thì từ đầu năm 2022 lại đảo chiều, lao động muốn làm thời vụ, nhận lương tuần tăng lên.
"Câu hỏi phổ biến mà lao động tìm việc hỏi nhà máy là trả lương tháng hay tuần", ông Quang Anh nói. Công nhân không muốn gắn bó lâu dài với công xưởng, sẵn sàng nghỉ việc nếu không hài lòng bởi những điều rất nhỏ nhặt như quản lý hay nhắc nhở, phải làm thêm giờ, bữa ăn ca không hợp khẩu vị...
Nhận định của lãnh đạo Công ty cổ phần quốc tế Dony phù hợp với khảo sát do chuyên trang Việc làm tốt công bố vào đầu tháng 6 vừa qua. Khi hỏi hơn 1.300 công nhân, trên 60% cho biết muốn đổi nghề, bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành nghề khác. Họ có xu hướng tìm các công việc linh hoạt về thời gian như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng...
Báo cáo thị trường lao động năm 2022 được Tập đoàn tuyển dụng ManpowerGroup mới công bố cho kết quả một lượng lớn lao động lại sẵn sàng "nhảy việc" khi có đến 49% lao động sẵn sàng chuyển công ty để có được phúc lợi tốt hơn. Gần 50% lao động nữ cho biết kém lạc quan về triển vọng nghề nghiệp của mình so với trước khi Covid-19 xuất hiện, trong đó 57% dự định rời bỏ công việc đang làm trong hai năm tới.
Nguyên nhân được người lao động chia sẻ là do cần phúc lợi tốt hơn, mong muốn tìm được công việc linh hoạt về thời gian, tự chọn chỗ làm, mức lương cạnh tranh, môi trường làm việc tốt hơn.
Ông Phạm Quang Anh cho rằng, với ngành sản xuất, chế biến chế tạo, điều cơ bản nhất để làm được việc là lao động phải đến công xưởng. Công việc của công nhân phải gắn với máy móc. "Yếu tố này đã trở thành bất lợi của các nhà máy khi tuyển dụng", lãnh đạo Công ty Dony chia sẻ. Nhiều lao động có tay nghề, bộ phận nhân sự đề nghị ký hợp đồng lao động chính thức, đảm bảo đầy đủ quyền lợi bảo hiểm xã hội và nhiều khoản hỗ trợ nhưng công nhân lại từ chối.
"Doanh nghiệp rất khó quản trị được nguồn nhân lực nếu lao động muốn làm thời vụ", ông Quang Anh nói. Các nhà máy sẽ gặp trở ngại khi lên kế hoạch sản xuất dài hạn và quản lý chất lượng sản phẩm.
Một khảo sát khác do ManpowerGroup và Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp thực hiện, đưa đến kết quả 21% doanh nghiệp FDI thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến chế tạo... giai đoạn 2021-2023 rất khó tuyển đủ lao động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, nói năm nay các doanh nghiệp thuộc tập đoàn nhận rất nhiều đơn hàng nhưng không đủ nhân công. Đặc biệt doanh nghiệp rất khó tuyển được người trẻ. Ngay cả lao động có trình độ trong ngành công nghiệp may làm các công việc như điều khiển máy móc, thiết kế mẫu... cũng hiếm người.
Hiện, nhiều nhà máy dệt may, tuổi bình quân của công nhân đến 41-42, tức lao động lớn tuổi chiếm số đông. Họ gắn bó vì khó tìm được công việc khác, hoặc cố gắng làm để chờ đến tuổi hưu. Nhân lực không đáp ứng đủ nên các công ty quy mô dưới 1.000 lao động khá dè dặt khi ký các đơn hàng lớn, buộc phải nhận các hợp đồng nhỏ, đơn giá thấp.
"Điều này lại làm cho tình hình sản xuất bấp bênh, việc ít, thu nhập của lao động không ổn định, càng khó thu hút lao động mới", bà Thủy nói.
Theo Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, trung bình mỗi năm các nhà máy mất 10% lao động. Số tuyển mới gần như chỉ bù đắp được phần thiếu hụt. Muốn mở rộng sản xuất, doanh nghiệp buộc phải cải tiến, đầu tư công nghệ. Các doanh nghiệp phải chấp nhận xu hướng các ngành sản xuất không còn hấp dẫn lao động nữa để có cách ứng phó phù hợp.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực cho nhà máy, chủ doanh nghiệp phải xây dựng mức lương cạnh tranh, đảm bảo môi trường làm việc tốt và chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong dài hạn.
Ngoài ra, các công ty có thể tính đến phương án sử dụng lao động thời vụ, khoán việc. Dịch vụ này giúp chủ doanh nghiệp chủ động, linh hoạt về kế hoạch nhân sự, phù hợp yêu cầu kinh doanh thay đổi liên tục; tiết kiệm được khoản lớn chi phí so với sử dụng lao động cố định. Hiện, tỷ lệ phần trăm (%) lao động dịch vụ với lao động ở các nhà máy là 15-85, nhưng trong tương lai có thể tăng lên 25-75, thậm chí 50-50.
Lê Tuyết