Nội dung trên được Bộ Y tế đưa trong Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19, ngày 14/3. Theo đó, người mắc Covid-19 được khẳng định nhiễm virus bằng xét nghiệm PCR hoặc test nhanh do bản thân hay người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện. Như vậy, quy định này đã có nhiều thay đổi so với trước đây.
Hồi tháng 12/2021, Bộ Y tế quy định xét nghiệm nhanh kháng nguyên phải do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm triển khai dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Với hướng dẫn mới này, người dân tự xét nghiệm nhanh hoặc PCR, nếu dương tính có thể thông báo cho xã, phường biết, kết quả test này được cơ sở y tế công nhận.
Bộ cũng bổ sung tiêu chí của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà là người bệnh Covid đã được cơ sở y tế chữa trị nhưng chưa khỏi hẳn, đạt tiêu chuẩn về nhà thì được điều trị tại nhà. Quy định này nhằm giảm tải cho hệ thống y tế.
Bên cạnh tiêu chí này, bệnh nhân điều trị tại nhà là F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất khứu giác, mất vị giác, nhịp thở bình thường theo tuổi, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có dấu hiệu khó thở, không suy hô hấp; F0 không mắc bệnh nền hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...) và theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, F0 cần có khả năng liên lạc với nhân viên y tế và sẵn các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính... để được nhân viên y tế hướng dẫn và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.
Trường hợp người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc phù hợp.
Trong hướng dẫn mới, Bộ cho phép F0 ra khỏi nhà trong các trường hợp cần thiết. Cụ thể, F0 khi ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác. Trước đó, Bộ yêu cầu F0 tại nhà tuân thủ cách ly theo quy định của địa phương.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc này nhằm tạo điều kiện giúp F0 giải quyết các yêu cầu bắt buộc về công việc, khám chữa bệnh. Khi ra khỏi nhà, F0 phải tuân thủ chặt 5K để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm. "Tuy nhiên, ngành y tế vẫn khuyến cáo F0 hạn chế rời khỏi khu cách ly, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết", đại diện Bộ Y tế trả lời VnExpress.
Tối cùng ngày, Bộ Y tế thông báo điều chỉnh hướng dẫn này thành "hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà".
Bộ Y tế khuyến cáo F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị nhiệt kế, máy đo SpO2 cá nhân, khẩu trang y tế, phương tiện vệ sinh tay, vật dụng cá nhân cần thiết, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
Chuẩn bị điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sĩ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh, bệnh viện...).
Đối với thuốc, gia đình cần chuẩn bị thuốc hạ sốt, dung dịch cân bằng điện giải như Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác. Thuốc giảm ho (tùy theo triệu chứng), dung dịch nhỏ mũi natri clorua 0,9%, đủ dùng 5-7 ngày. Thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc được kê đơn đang sử dụng cho người bệnh (nếu cần, đủ sử dụng 1-2 tuần).
Bộ Y tế lưu ý người dân không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định, kê đơn. Không xông cho trẻ em.
Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, nên nghỉ ngơi. Người lớn nên vận động thể lực nhẹ, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, suy nghĩ tích cực và duy trì tâm lý thoải mái để nhanh hồi phục.
Lê An - Lê Chi