Nội dung này được Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương ngày 28/12. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định F0 và người khỏi bệnh.
Sau nghiên cứu, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để xác định ca bệnh theo hướng dẫn. Cụ thể:
3 trường hợp được khẳng định nhiễm nCoV, gồm: Người xét nghiệm RT-PCR dương tính nCoV; người nghi nhiễm có kết quả test nhanh dương tính nCoV (test nhanh sử dụng phải được Bộ Y tế cấp phép, xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc giám sát thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa); người không triệu chứng, có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm hoặc F0 trong khoảng 14 ngày và có hai kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần một và hình thức test nhanh như trên).
Trong trường hợp chỉ có một kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
F0 được công nhận khỏi bệnh khi có test nhanh âm tính nCoV. Trong đó, người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà và cách ly đủ 10 ngày, có test nhanh âm tính nCoV, sẽ được trạm y tế địa phương xác nhận khỏi bệnh.
Người điều trị tại các cơ sở thu dung và bệnh viện, không có bệnh nền cần test nhanh âm tính nCoV trước khi ra viện, không có triệu chứng lâm sàng từ ba ngày trở lên. Sau đó, họ phải tự theo dõi tại nhà trong 7 ngày, đo thân nhiệt hai lần một ngày, tuân thủ 5K. Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 38 độ C trong hai lần đo liên tiếp hoặc có triệu chứng bất thường, F0 cần báo ngay cho cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Đối với F0 có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ ba ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính vào trước ngày ra viện.
Như vậy, bên cạnh xét nghiệm RT-PCR, Bộ Y tế đã cho phép các tỉnh sử dụng test nhanh để công nhận ca nhiễm và khỏi Covid-19. Một chuyên gia y tế (không muốn nêu tên) nhận định hướng dẫn này sẽ giúp giảm thời gian chờ kết quả của F0 và công việc cho nhân viên y tế. Nguyên nhân là loại test này dễ sử dụng, thời gian có kết quả nhanh không phụ thuộc vào kỹ năng xét nghiệm, thao tác đơn giản, từ đó kết quả ít bị sai lệch. Trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo, có kỹ năng chuẩn xác và thường mất 4-6 tiếng mới có kết quả.
Trước đó, Bộ Y tế đã cho phép Hà Nội dùng kết quả test nhanh để xác định người nhiễm và khỏi Covid-19 vào hôm 5/12, thay vì chờ đợi kết quả RT-PCR như trước.
Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm trong nước là 1.675.321, trong đó 1.261.465 ca đã được công bố khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua, cả nước xét nghiệm được 93.091 mẫu. Từ 27/4 đến nay đã thực hiện 29,9 triệu mẫu cho 73,9 triệu lượt người.
Chi Lê