6h, chị Quyên, 38 tuổi, đánh thức hai con 9 tuổi và 5 tuổi. Sau bữa sáng cùng nhau, chị đưa con đến lớp - nơi cách chỗ làm khoảng một km. Gần 8h, nữ công nhân mới đến xưởng may thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ may mặc Thiên Ân ở xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Nhà máy cho phép lao động có con nhỏ được đến muộn, thời gian trễ bù vào buổi chiều.
"Tôi đã đúng khi lựa chọn về quê", chị Quyên nói. 14 năm trước, đôi vợ chồng trẻ có vài công đất trồng dừa. Cặm cụi quanh năm không có dư, anh chị quyết định lên Sài Gòn mưu sinh. Chị xin vào công ty làm giày, anh học nghề tài xế, chạy xe thuê. Hai đứa con lần lượt ra đời. Chi phí ở thành phố đắt đỏ, thu nhập hai vợ chồng không kham nổi, phải gửi con về quê cho bà ngoại.
Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, mỗi ngày nghe ca nhiễm, tử vong liên tục tăng, chị Quyên đứng ngồi không yên, lo lắng "nếu có mệnh hệ gì không ai nuôi con". Nữ công nhân quyết định nghỉ việc, bỏ mức lương thâm niên 9 triệu đồng mỗi tháng về quê, riêng anh vẫn bám lại thành phố.
Đầu tháng 10 năm ngoái, các địa phương dần gỡ bỏ giãn cách, chị Quyên được Công ty may Thiên Ân nhận vào làm với lương khởi điểm hơn 5 triệu đồng. Ngoài thời gian ở xưởng, chị nhận thêm đồ về nhà làm thêm. Nữ công nhân nói lương thấp hơn thành phố nhưng hạnh phúc vì được gần con, đặc biệt khi con gái đến tuổi dậy thì rất cần mẹ bên cạnh.
Cũng trở về quê khi TP HCM bùng dịch, anh Lê Phúc Ngoan, 23 tuổi, nhanh chóng tìm được việc làm mới ở Công ty Taekwang Vina thuộc Khu công nghiệp Hưng Phú 2B (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cách nhà 30 phút chạy xe máy.
Ba năm trước, anh Ngoan lên thành phố kiếm việc, ứng tuyển vào Công ty FAPV ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Nhà máy đi hai ca ngày, đêm, mỗi ca 12 tiếng. Làm bốn ngày, nghỉ hai ngày, thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.
"Phải đánh đổi sức khỏe tăng ca để có lương cao nhưng cuối cùng lại quay ra trả đủ thứ chi phí đắt đỏ", nam công nhân nói. Tiền nhà trọ mỗi tháng hơn hai triệu đồng, điện gần 4.000 đồng/kWh, một khối nước 15.000 đồng. Khi dịch bùng phát, gia đình liên tục gọi về nên anh quyết định hồi hương.
Mức lương mỗi tháng ở nhà máy mới tầm 7 triệu đồng nhưng không phải tăng ca nhiều, cùng với không tốn nhiều chi phí cho ăn uống, sinh hoạt nên anh Ngoan sống thoải mái, có dư gửi ba mẹ. Từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục tăng cao, anh quyết định thuê trọ gần nhà máy với chi phí mỗi tháng hơn một triệu đồng.
"Dù ở trọ nhưng chi phí không cao như thành phố", Ngoan so sánh mớ rau 20.000 đồng ở Sài Gòn ăn một bữa nhưng ở quê chỉ 10.000 đồng ăn cả ngày. Cuối tuần, anh chạy về nhà bắt cá, hái rau. Hôm nào không về được, mẹ lại gom đồ mang sang.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 1,3 triệu người hồi hương sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, trong đó các tỉnh miền Tây chiếm khoảng 30%. Các địa phương như An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang... ghi nhận số lượng lớn người về quê, mỗi tỉnh từ 40.000 đến 80.000 trường hợp.
Hiện, các tỉnh miền Tây chưa có số liệu đầy đủ số người trở về chọn ở lại, song trường hợp chọn lập nghiệp ở quê nhà như chị Quyên, anh Ngoan không phải là ít. Thống kê sơ bộ của tỉnh Bến Tre - địa phương có gần 20.000 người trở về sau đợt dịch thứ 4, hơn 6.000 lao động quyết định ở lại. Địa phương đang tạo cầu nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng phòng Lao động và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bến Tre), cho hay nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp ở mức 6.000-7.000 người nên cơ hội việc làm rất lớn với người trở về. Đơn vị này kết hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh xây dựng mô hình tư vấn nhằm phân loại tay nghề, chuyên môn để bố trí công việc phù hợp.
Tương tự, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đợt hồi hương vừa rồi tỉnh đón 75.000 người trong đó khoảng 25.000 người (hơn 30%) có nhu cầu ở lại tỉnh làm việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở địa bàn cần hơn 30.000 lao động nên có thể bố trí hết lượng người muốn gắn bó quê nhà.
Theo TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, vài năm trở lại đây các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các tỉnh để hưởng các ưu đãi thu hút đầu tư ở các địa phương. Sau các đợt bùng phát dịch, lao động ở các thành phố thiếu hụt, xu hướng này diễn ra mạnh hơn. Cùng với đó, công nhân cũng có nhiều lựa chọn công việc hơn, không phải rời quê.
Ông Tiến cho hay, phần lớn công nhân ở tỉnh không mất hoặc chi ít hơn cho tiền thuê trọ. Lao động có chỗ ở cố định nên các chi phí điện, nước cũng thấp hơn; con cái có chỗ học hành, gửi ở trường công lập. Nếu có tăng ca, người thân trong gia đình sẽ đưa đón, họ không tốn thêm chi phí gửi ngoài giờ. Phần thu nhập làm thêm giờ sẽ được để dành. Dù thu nhập ở tỉnh có thấp hơn thành phố lớn khoảng 10-30% nhưng cuộc sống của công nhân thoải mái hơn.
Theo khảo sát lương đủ sống được Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động thực hiện năm 2016 và Chỉ số giá tiêu dùng CPI từ năm 2016-2021, mức lương đủ sống ở TP HCM vào năm 2021 phải từ 7,56 triệu đồng, trong khi ở một số tỉnh như Sóc Trăng, Thái Bình chỉ khoảng 4,7 triệu đồng.
Thế nhưng dù giảm được áp lực về nhà ở, chi phí sinh hoạt nhưng một bộ phận công nhân đặc biệt là người trẻ vẫn có xu hướng đến các thành phố lớn để trải nghiệm. Sau những cuộc hồi hương ồ ạt, Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện khảo sát ở một nhóm lao động và ghi nhận đến 95% có ý định quay lại thành phố. Thực trạng này đặt nhiều thách thức giữ chân công nhân ở lại địa phương.
"Cốt lõi vẫn thu nhập hấp dẫn cho người lao động. Công nhân làm việc ở thành phố không có tích lũy nên nếu ở quê đáp ứng được họ sẽ quay về", ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, cho biết để kết nối lao động với doanh nghiệp, địa phương tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, ưu tiên công nhân được giới thiệu đến các công ty gần nhà. Chính quyền vận động các nhà máy thêm nhiều chính sách, phúc lợi như tuyển cả vợ lẫn chồng, bố trí nhà ở, nhà trẻ, chợ ngay trong khuôn viên nhà máy để lao động an tâm gắn bó.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, điểm yếu của các tỉnh miền Tây là thiếu lao động kỹ năng. Do vậy các địa phương nên định hướng từ đầu phát triển ngành nghề gì, cần bao nhiêu lao động, để có chính sách đào tạo nhân công đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Nhóm phóng viên