Chị Thương, 24 tuổi, ba năm làm việc tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao. Do mang bầu, chị được nhà máy sắp xếp đi ca hành chính 8 tiếng, không làm thêm ngoài giờ. Việc này giúp chị đảm bảo sức khỏe nhưng thu nhập hàng tháng lại giảm gần một nửa khi chỉ còn lương cơ bản 5,2 triệu đồng, phụ cấp gần một triệu đồng.
Chồng chị Thương làm tự do thu nhập mỗi tháng chừng 10 triệu đồng. Nữ công nhân nói rằng tiền trọ, lo cho con gái 5 tuổi đi học, ăn uống, lại chuẩn bị sinh nên tiền lương 15 triệu đồng của hai vợ mỗi tháng không đủ, "chưa kể cái gì cũng tăng giá".
"Tôi muốn kiếm việc làm tại nhà, thêm ít thu nhập chuẩn bị sinh con", chị Thương nói. Giữa tháng 6, lướt mạng xã hội chị thấy mẫu tuyển cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử nên nhắn tin hỏi tham gia. Chị được tư vấn tạo các đơn hàng ảo trên ứng dụng để tăng tương tác, chuyển tiền vào một tài khoản chỉ định, sau đó được nhận lại tiền gốc và hoa hồng 10-20%.
Nữ công nhân được đưa vào một nhóm chat có nhiều thành viên. Một số người chốt đơn nhanh, mỗi ngày được hoàn cả triệu đồng. Chị Thương vào các ứng dụng, tìm các đơn theo yêu cầu, đến phần bấm chọn mua hàng thì dừng lại, chụp màn hình gửi trưởng nhóm. Sau khi người này xác nhận, chị chuyển tiền qua tài khoản được chỉ định. Ngay lập tức chị được hoàn trả gốc và 10% hoa hồng.
"Thấy công việc đơn giản, làm tại nhà, lương nhận ngay nên tôi không đề phòng gì", chị Thương nói. Sau đó các đơn hàng nhanh chóng tăng lên, giá trị cả chục triệu đồng. Chị bị hối thúc chuyển tiền ngay lập tức nhưng lại không được hoàn vốn và hoa hồng như các đơn đầu.
Thấy lo nhưng vì tiếc mấy chục triệu đồng đã chuyển khoản, chị Thương lại lao theo. Vét hết số tiền để dành sinh con, nữ công nhân vay đồng nghiệp trong chuyền để chốt đơn. Khi tổng số tiền chuyển vào tài khoản chỉ định lên 80 triệu đồng chị mới giật mình kiên quyết đòi lại tiền gốc thì bị cho ra khỏi nhóm và chặn liên hệ.
Không dám nói cho chồng biết, chị Thương một mình xoay nợ. Nữ công nhân phải vay Tổ chức tài chính vi mô CEP (thuộc Liên đoàn Lao động TP HCM) 50 triệu đồng, trả dần hai năm, để thanh toán một phần nợ cho đồng nghiệp. Số nợ còn lại sau khi hết thời gian nghỉ sinh, chị quay lại nhà máy làm việc trả tiếp.
Cũng "chốt đơn" cho các sàn thương mại điện tử, chị Thanh Tuyền, công nhân may làm việc tại Công ty M.K (quận 12) mất hơn 90 triệu đồng. Chị Tuyền cho hay cả tháng tăng ca liên tục lương không vượt quá 8 triệu đồng, cộng với thu nhập gần 9 triệu đồng từ công việc chạy xe ôm công nghệ của chồng, gia đình bốn người sống rất gói ghém.
"Các con chuẩn bị vào năm học mới, chi phí sinh hoạt hằng ngày tăng cao. Tôi muốn kiếm cái gì làm thêm", chị Tuyền nói. Những đơn đầu chị được hoàn 5-10% hoa hồng. Sau đó, người phụ trách nâng cấp độ đơn liên kết, yêu cầu phải chuyển khoản tất cả mới được nhận tiền.
Khi nữ công nhân chuyển hơn 90 triệu đồng, phía bên kia lại yêu cầu nộp thêm 40 triệu đồng để lên tài khoản VIP, được trả hoa hồng cao hơn. Khi chị không đồng ý, người phụ trách nhóm cho biết sẽ "đóng băng tài khoản, hẹn 24 tháng sau trả 70% tiền rồi chặn liên lạc".
Chị Tuyền cho hay để có 90 triệu đồng "chốt đơn", chị đã vét hết số tiền để dành phòng khi ốm đau của gia đình và vay mượn bạn bè, người thân. "Giờ mất hết, không có việc lại còn mang nợ", chị Tuyền nói.
Anh Phạm Thiều, quản trị viên trang Facebook có hơn 20.000 công nhân làm việc ở Khu chế xuất Tân Thuận, nói mỗi ngày phải từ chối hàng chục tài khoản, tin tuyển cộng tác viên đăng tin, chốt đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Các tài khoản này còn trưng bản chụp, scan các giấy phép hoạt động được cơ quan chức năng cấp phép để công nhân tin tưởng.
Theo anh Thiều, các tin tuyển dụng cộng tác viên online, làm việc tại nhà gần bủa vây công nhân từ tin nhắn, gọi điện, Facebook, Tiktok... Sau dịch, nhiều công nhân muốn tìm việc làm thêm tại nhà để tăng thu nhập, bù khoản thiếu hụt. Phần lớn công nhân thiếu kỹ năng tìm việc qua mạng, không nắm được thủ đoạn lừa đảo nên dễ mất tiền.
Trả lời VnExpress, Shopee Việt Nam cho biết không gửi thông tin tuyển dụng qua tin nhắn điện thoại, cũng như không đăng nội dung quảng cáo tuyển cộng tác viên tăng đơn hàng. Tương tự, Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ khẳng định các trang web Sendo tuyển dụng cộng tác viên làm việc xử lý đơn hàng online tại nhà là giả mạo.
Phía Shopee khuyến nghị nếu nghi ngờ, người dùng có thể truy cập các trang chính thức của doanh nghiệp hoặc gọi hotline để được hỗ trợ. Tất cả thông tin tuyển dụng của đơn vị chỉ được đăng tại trang thông tin việc làm của doanh nghiệp, tài khoản Facebook chính thức có tick xanh, LinkedIn chính thức và các trang tin tuyển dụng uy tín đang là đối tác của Shopee.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, quyền Giám đốc vận hành toàn quốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động ManpowerGroup Việt Nam, sau dịch giá cả sinh hoạt tăng cao, nhiều lao động muốn chuyển hoặc tìm thêm việc để tăng thu nhập.
Báo cáo thị trường lao động năm 2022 của ManpowerGroup, gần 50% lao động khi được hỏi sẵn sàng chuyển việc khi có mức thu nhập tốt hơn. Gần 50% lao động nữ kém lạc quan về công việc của mình so với trước khi Covid-19 xuất hiện, trong đó 57% muốn rời bỏ công việc đang làm trong hai năm tới.
"Các thông tin tuyển dụng với mức lương khủng, không cần hồ sơ, làm tại nhà, linh động thời gian rất thu hút công nhân", ông Sơn nói và nêu các mẫu tuyển dụng dấu hiệu lừa đảo thường đưa mức lương quá cao so với thị trường, năng lực lao động và yêu cầu công việc. Người tìm việc cần cảnh giác trước các lĩnh vực như huy động vốn, tiền ảo, cộng tác viên chốt đơn với công việc đơn giản, hứa hẹn hoa hồng cao.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Phạm Chí Tâm nói công nhân nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm của thành phố để được giới thiệu công việc phù hợp. Nếu tìm việc qua mạng, người lao động phải vào các trang web chính thức của nhà tuyển dụng, gọi điện trực tiếp xác nhận. Công đoàn phối hợp công an đến các nhà máy, khu nhà trọ thông tin các hình thức lừa đảo qua mạng để công nhân đề phòng.
Hình thức tạo đơn hàng online ảo để lừa tiền rộ lên thời gian gần đây. Ngoài công nhân, nhóm thường bị dụ thường là người cao tuổi, nội trợ, sinh viên, học sinh... Một số người bị lừa cả tỷ đồng. Công an một số địa phương đã phá các đường dây tuyển và lừa đảo công tác viên bán hàng trên mạng.
Lê Tuyết