Thông tin được Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong nói tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, sáng 10/6. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh thành phố đã ghi nhận 527 bệnh nhân, xếp thứ ba cả nước về số ca nhiễm.
Theo ông Phong, báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết trong khoảng thời gian này có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương công nhân...
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, 5 tháng đầu năm nay, khi dịch được kiểm soát tốt, kinh tế thành phố đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Theo đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 456.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ; thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách ước đạt hơn 174.000 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ...
"Đáng tiếc, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ 27/4, TP HCM xuất hiện các chùm lây nhiễm, trong đó nghiêm trọng nhất là chùm liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng", ông Phong nói và cho biết dù không mong muốn, nhưng thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, quận 12 từ 0h ngày 31/5.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.
"Sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời sự tăng trưởng của doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc", ông Phong cam kết.
Trước đó, ngày 8/6, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính quyền TP HCM chi 1.075 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP HCM cho biết, cái khó nhất với doanh nghiệp khi xảy ra dịch là việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh.
"Giấy khai báo y tế và xét nghiệm được xem như giấy thông hành để xuất trình khi đi qua các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, xe chở thực phẩm đang gặp khó khăn ở Bạc Liêu khi 'giấy thông hành' chỉ có giá trị 72 tiếng", ông Hiến nói và cho biết thêm ở tỉnh An Giang, "giấy thông hành" chỉ có giá trị 24 tiếng.
Trong khi đó, đề cập đến lệnh cách ly 21 ngày với người đến từ TP HCM của UBND tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (TP Thủ Đức) bức xúc nói đây không phải là lần đầu Đồng Nai quy định làm khó doanh nghiệp của thành phố.
"Đợt dịch năm 2020 phía Đồng Nai đã ngưng cho phà cập bến phía huyện Nhơn Trạch, công nhân, người lao động phải đi đường vòng rất xa hoặc đi đò nhỏ về nhà. Năm nay lại đòi cách ly 21 ngày", ông Anh nói và đề nghị thành phố cần có cách khắc phục, không lặp lại những quy định kiểu này.
Theo ông Anh, 60% hàng hoá của công ty xuất khẩu cảng Cái Mép - Thị Vãi ở Bà Rịa - Vũng Tàu nên phải đi qua Đồng Nai. Việc Đồng Nai ra thông báo lúc 15h và điều chỉnh vào vào trưa hôm sau đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu vì việc này đang tính bằng phút chứ không phải bằng giờ nữa.
"Thành phố nên quan tâm vấn đề này, chúng ta đã nói nhiều về liên kết vùng, nhưng hiện còn thiếu sự nhất quán, đồng nhất giữa các tỉnh lân cận trong việc phối hợp khi ra các quyết sách", ông Anh nói.
Một số doanh nghiệp đề nghị thành phố tạm dừng hoặc giảm 50% phí qua xa lộ Hà Nội cũng như tạm thời chưa thu phí cảng biển theo kế hoạch từ tháng 7 tới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp...
Hữu Công