Sản phẩm của ngành công nghiệp phụ trợ VN còn yếu về chất lượng. |
Đó là những ví dụ sinh động được các đại biểu nêu ra để mô phỏng về thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ của VN tại hội thảo "Phát triển công nghiệp phụ trợ và liên kết doanh nghiệp" sáng qua.
Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử VN cho biết, hiện nay ở VN, một số ngành như dệt may, gia dày, điện tử... đều phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Chẳng hạn như ngành dệt may, các nguyên liệu như khuy, móc, chỉ... phải nhập toàn bộ từ nước khác. Do vậy, họ luôn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, không thể chủ động được hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng vì lý do này, theo ông Hùng, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp VN chỉ đạt vỏn vẹn 10% - một con số quá thấp so với các nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển khác.
Riêng đối với ngành công nghiệp điện tử VN, ông Hùng cho biết, tính đến nay, mới chỉ có 1/4 số doanh nghiệp trong ngành sản xuất phụ tùng linh kiện, nhưng phần lớn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sản phẩm chủ yếu lại để xuất khẩu. Thêm vào đó, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm trong ngành rất thấp, mới chỉ đạt được khoảng 20%, chủ yếu là bao bì, linh kiện nhựa.
Trong khi đó, chất lượng sản phẩm của ngành này còn yếu và không ổn định. Về điều này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết, trước đây, một đại diện của Công ty Daihatsu sang VN tìm kiếm nhà cung cấp ốc vít, nhưng khảo sát tới 64 doanh nghiệp mà không lựa chọn được nhà cung cấp nào đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Sachio Kagayama, Tổng giám đốc Công ty Canon VN kể, Canon có ý định mở rộng sản xuất ở VN, tuy nhiên thời gian đầu do chưa tìm được nhà cung cấp linh phụ kiện ở VN nên công ty đành chọn giải pháp sản xuất ngay tại nhà máy của mình. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, nhất thiết phải tìm được nhà cung cấp của VN để đảm bảo sản xuất ổn định.
Đến cuối năm 2004, Canon đã tìm được 20 nhà cung cấp linh phụ kiện tại VN, con số hiện tại là 31 công ty. Song đáng buồn là trong số này, phần lớn lại là công ty FDI, các công ty VN chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mục tiêu của Canon là đến năm 2006, số lượng công ty ở VN cung cấp linh phụ kiện sẽ vào khoảng 40-45 công ty. Cái khó là hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ của VN còn rất thụ động. "Hiếm khi thấy các công ty VN đến mời chào sản phẩm của mình. Có thể do yêu cầu về sản phẩm của chúng tôi quá chênh lệch với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp VN. Tuy nhiên, tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn và tích cực hơn", ông nhấn mạnh.
Ông Kagayama cũng phàn nàn về thực trạng không ổn định trong sản xuất của các doanh nghiệp VN. Yêu cầu của Canon là dù sản xuất 100 hay 1.000 sản phẩm thì chất lượng cũng phải đồng đều như nhau, và điều này phải được duy trì như một nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên ông kể, trước đây có một doanh nghiệp VN cung cấp linh kiện cho Canon. Lần thứ nhất thì chất lượng rất tốt nhưng từ lần thứ hai trở đi đã có sự thay đổi. Như vậy, khi in 1.000 sản phẩm thì không thể có được sự đồng đều. Chính điều đó khiến Canon e ngại đối với các nhà cung cấp của VN.
Các doanh nghiệp cho rằng, không phải họ không hiểu thực trạng trên. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là công nghiệp phụ trợ lại cần vốn đầu tư lớn, sản lượng phải nhiều để giảm giá thành và chất lượng phải đảm bảo. Thêm vào đó, thị trường trong nước còn nhỏ bé nên các nhà đầu tư nước ngoài ít đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Anh Vũ Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị, máy văn phòng Việt Quang Q&Q nêu bức xúc, Q&Q sản xuất bánh răng, nhông xích các loại... đã được 5 năm, song, phần lớn những sản phẩm này chỉ bán được cho tư nhân và chỉ khi nào khách hàng không tìm thấy sản phẩm của các hãng lớn trên thị trường thì mới tìm mua. Khó khăn lớn nhất của Q&Q cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ, theo anh Quân, chính là vấn đề vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ như Q&Q, kỹ thuật luôn là vấn đề nan giải. Anh Quân cho biết, việc sản xuất của công ty anh là dựa trên kinh nghiệm học tập được từ bè bạn hoặc là đúc kết trong quá trình sản xuất. Do vậy, việc đảm bảo hàng hoá đồng đều là vô cùng khó khăn. Anh hy vọng, sẽ tìm được các doanh nghiệp lớn hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật để có thể trở thành nhà cung ứng ổn định.
Tuy nhiên theo bà Phan Thu Lương, Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thời gian vô cùng quý báu. Thông thường, để có một nhà cung cấp phụ tùng chính thức phải mất ít nhất 2 năm cho việc chuẩn bị, như lên kế hoạch bố trí sản xuất, lắp đặt thiết bị, đào tạo nhân lực. Do vậy, theo bà Lương, các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ phải hết sức kiên nhẫn khi hợp tác với các doanh nghiệp VN. Các doanh nghiệp VN cũng phải nỗ lực và "sống chết với sản phẩm của mình", có như thế, mới có thể trở thành nhà cung cấp lâu dài.
Theo ông Kenichi Kohata, chuyên gia của JICA tại Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ VN, cách đây 40 năm, Sony, và Toyota...cũng chỉ là những doanh nghiệp nhỏ. Nhưng rồi bằng sự nỗ lực đến nay họ đã trở thành những công ty đứng trong hàng ngũ hàng đầu thế giới. "Ở Nhật Bản chúng tôi, sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các công ty xuyên quốc gia rất chặt chẽ. Để có được điều này, thách thức lớn nhất chính là doanh nghiệp phải có ý chí kinh doanh và nỗ lực của bản thân", ông nói thêm.
Về phía Nhà nước, ông Trần Quang Hùng cho rằng, trước hết, VN phải có quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho từng ngành hàng, trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên. Nếu không có sự quy hoạch rõ ràng, sẽ dễ dẫn đến tình trạng sản xuất không cân đối theo kiểu có những sản phẩm doanh nghiệp nào cũng sản xuất trong khi có sản phẩm lại không có doanh nghiệp nào làm cả.
Nhà nước cũng nên có những chính sách để phát triển công nghiệp phụ trợ với những ưu đãi về thuế, mặt bằng cho các doanh nghiệp dể khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư bởi đây là nòng cốt của quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ. Ông Hùng cho biết, ở Nhật Bản và Đài Loan, 95% các nhà cung cấp phụ tùng linh kiện là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hà Vy