Thế giới TV hiện chia làm hai với hai công nghệ chính. Một bên là các công nghệ LED truyền thống như QNED, QLED, Neo QLED hay ULED. Bên còn lại là OLED, microLED với nhiều tính năng vượt trội.
TV LED về bản chất là TV LCD màn hình tinh thể lỏng với các đèn nền LED phát sáng ở phía sau. Trong khi đó, công nghệ như OLED hay microLED được gọi là "phát xạ" do bảng điều khiển tạo ra hoặc trực tiếp phát ra ánh sáng.
Công nghệ OLED
Theo SMH, từ lâu OLED đã được coi là tiêu chuẩn vàng về chất lượng hình ảnh trên TV thương mại. Tuy nhiên, ngày càng nhiều thuật ngữ mới xuất hiện và gây nhầm lẫn như QLED, ULED và mới nhất là QNED của LG. Thực chất, so với OLED, chúng khác biệt hoàn toàn về công nghệ chiếu sáng điểm ảnh cơ bản.
Công nghệ OLED, viết tắt của từ đi-ốt phát sáng hữu cơ, bao gồm các điểm ảnh có thể tự phát sáng và bật/tắt độc lập. Có nghĩa, khi TV cần hiển thị màu đen, các điểm ảnh sẽ tắt hoàn toàn và người xem cảm nhận được màu đen hoàn hảo ở vị trí cần thiết. Đây là khác biệt lớn so với TV LED truyền thống, vốn sử dụng đèn nền (hoặc đèn viền) thường tạo ra "vầng hào quang" xung quanh các vùng tối nhất trên màn hình.
Ngoài độ tương phản vượt trội, TV OLED đem đến độ bão hòa màu sắc cao hơn mà không cần công nghệ bổ sung như phosphor màu hay chấm lượng tử. Tấm nền cũng không dùng đèn nền, không cần nhiều lớp bóng bán dẫn bên trong bảng điều khiển, giúp nhà sản xuất có thể làm TV mỏng hơn. Cũng do không cần nhiều lớp giữa nguồn sáng và mặt trước màn hình, các sóng ánh sáng có thể chuyển động theo nhiều phương, hướng hơn, đảm bảo hình ảnh hiển thị chính xác ở các góc lệch cho góc nhìn tốt hơn TV LED truyền thống.
Tuy nhiên, TV OLED có nhược điểm về độ sáng so với TV LED. Bản chất mỗi điểm ảnh tự phát sáng cũng chính là một nguồn nhiệt riêng, gây ra giới hạn khi tất cả đồng loạt sáng lên, ảnh hưởng tuổi thọ tấm nền. LG hiện là nhà sản xuất hàng đầu về công nghệ OLED.
Cả Samsung và LG gần đây đều đang nghiên cứu công nghệ mới là microLED với cùng cơ chế điểm ảnh phát sáng như OLED nhưng độ sáng cao hơn. Tuy vậy, microLED chưa được thương mại hóa, các sản phẩm đầu tiên chỉ ở dạng thử nghiệm với kích thước lớn, giá thành cao.
QLED và QNED
Để công nghệ tấm nền LED truyền thống có chất lượng gần hơn với OLED và thêm lựa chọn ở mức giá thấp hơn, các nhà sản xuất đã "chạy đua" để tung ra những dòng TV mới, trong đó Samsung có Neo QLED và LG là QNED.
TV LED sử dụng hệ thống đèn nền chia thành các vùng điều khiển độc lập, gọi là Local Dimming (làm tối cục bộ). Ví dụ khi TV chiếu cảnh bầu trời đêm đen với vầng trăng sáng rõ, những vùng kiểm soát trên TV có cả hình ảnh trăng sáng và bầu trời đêm cần sự "thỏa hiệp" về hình ảnh chênh lệch. Kết quả là trăng kém sáng hơn và bầu trời dường như có màu xám thay vì đen hoàn toàn. Càng nhiều vùng Local Dimming, hình ảnh hiển thị càng đẹp. Do đó, các công nghệ dùng đèn nền LED siêu nhỏ (MiniLED), như LG QNED hay Samsung Neo QLED, được đánh giá là tốt nhất hiện nay trên TV LED.
Theo thông số được giới thiệu, LG QNED là dòng TV có nhiều đèn nền LED nhất. Công nghệ của LG sử dụng 30.000 đèn LED siêu nhỏ, tạo ra 2.500 vùng làm tối và làm tối cục bộ, tăng tỷ lệ tương phản lên 1.000.000:1. Con số này cao hơn so với mức 25.000 đèn LED siêu nhỏ trước đó của TCL Series 8. Samsung cũng có TV công nghệ tương tự là Neo QLED nhưng không công bố cụ thể số lượng đèn nền.
Chữ Q trong QLED của Samsung chỉ quantumm (chấm lượng tử), còn QNED của LG cũng có chữ Q là chấm lượng tử và thêm chữ N đại diện cho công nghệ Nanocell độc quyền của hãng.
Hai dòng TV LED cao cấp này cùng sử dụng đèn nền siêu nhỏ, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa hai nhà sản xuất. TV LG thường dùng tấm nền LCD kiểu IPS còn Samsung và hầu hết các nhà sản xuất TV LED khác sử dụng tấm nền LCD kiểu VA. Theo Reviewed, tấm nền IPS cho góc nhìn rộng hơn VA, nhưng tấm nền VA có xu hướng hoạt động tốt hơn khi tạo ra các tông màu tối.