Theo Verge, doanh thu quảng cáo đang là động lực kiếm tiền cho đa số những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube. Tuy nhiên, cơ chế tắt chức năng kiếm tiền đối với các video xấu độc đang mất dần tác dụng. Đặc biệt, những nhà sáng tạo nội dung lớn trên nền tảng vẫn có thể duy trì khả năng tiếp cận lượng người xem nhất định và hình phạt không ảnh hưởng tới họ. Việc này thể hiện rõ qua scandal liên quan tới "ngôi sao YouTube" Steven Crowder với gần 4 triệu người theo dõi.
Đầu tháng 6, Carlos Maza, nhà báo đồng tính của Vox, chỉ trích YouTube đã để cho Crowder liên tiếp đăng những lời lẽ ác ý và kỳ thị mình. Crowder thừa nhận có sử dụng lời nói chống lại Maza nhưng không mang tính xúc phạm.
YouTube đã tiến hành điều tra và tuyên bố Crowder không vi phạm chính sách cộng đồng và không xóa video. "Đúng là ngôn từ gây tổn thương, nhưng các video này không vi phạm chính sách của chúng tôi nên vẫn tồn tại trên trang. Là một nền tảng mở, chúng tôi cho phép mọi người nêu quan điểm trong phạm vi chính sách của mình. Video tồn tại trên trang không đồng nghĩa chúng tôi ủng hộ quan điểm trong video đó", YouTube nói.
Tuy nhiên, trước sự phản ứng dữ dội của cộng đồng, YouTube đã gửi lời xin lỗi đến cộng đồng những người đồng tính và đình chỉ khả năng kiếm tiền từ quảng cáo trên kênh của Crowder.
Crowder có thể tiếp tục kiếm tiền nếu giải quyết các vấn đề của mình, như dừng đăng video chứa nội dung gây thù hận. Cách xử lý của YouTube một lần nữa gây thất vọng vì nền tảng này được cho là đã thiên vị Crowder. Họ bị lên án vì chính sách cộng đồng lỏng lẻo, không dám mạnh tay xóa những kênh có lượng theo dõi cao, vốn giúp họ lôi kéo nhiều người dùng hơn đến với nền tảng.
Tuy nhiên, dù thế nào, theo Verge, Crowder chẳng quan tâm. "Hình phạt đó thực sự chẳng đáng gì với tôi", anh ta nói.
Sự nổi tiếng của Crowder giúp anh ta tiếp tục kinh doanh áo phông, mũ, bộ dán sticker và thu hút người theo dõi video trên website riêng, nơi anh ta khẳng định mới là nguồn thu nhập chính của mình. Bán hàng và chia sẻ video trên những nền tảng khác không chỉ là một cách để các nhà sáng tạo nội dung tăng thu nhập mà còn là cách để họ tránh khỏi những quy định và thuật toán của YouTube.
Wyatt Jenkins, Phó chủ tịch của Patreon, cho biết ngày càng có nhiều nhà sáng tạo nội dung nhận ra YouTube có thể đưa ra bất cứ quy định gì họ muốn nên bắt đầu tìm cách thiết lập mối quan hệ với người xem. Hình phạt dừng hiển thị quảng cáo có thể là vấn đề với đa số YouTuber, nhưng phản ứng của Crowder cho thấy cơ chế phạt này đang mất dần hiệu quả với những nhà sáng tạo nội dung lớn trên nền tảng.
Bên cạnh đó, không ít người nhắc đến tình trạng "adpocalypse" - thuật ngữ được sử dụng trong cộng đồng về việc các nhà quảng cáo dừng chi tiền cho YouTube sau các sự kiện gây tranh cãi.