Theo dõi vị trí
Theo dõi người dân thông qua vị trí là công nghệ được nhiều chính phủ áp dụng nhất hiện nay. Theo thống kê của Top10VPN, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ làm điều này, nhưng cách làm khác nhau.
Ở châu Âu, nơi có các điều luật nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, việc theo dõi buộc phải ở trạng thái ẩn danh. Chẳng hạn, Đức, Áo, Bỉ và Italy đang sử dụng dữ liệu vị trí ẩn danh để xác định những ai tụ họp nơi công cộng, kể cả khi khóa máy.
Tại Mỹ, sau nhiều lần cân nhắc, chính phủ nước này cũng đã bắt đầu áp dụng hình thức kiểm soát Covid-19 thông qua kho dữ liệu ẩn danh của hàng triệu người dùng điện thoại, do các công ty quảng cáo di động cung cấp. TheoWSJ, nhà chức trách tại 500 thành phố được cấp quyền truy cập cổng thông tin trực tuyến, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan. Hệ thống mới sẽ cảnh báo về địa điểm vẫn còn thu hút đám đông tụ tập, cho phép cảnh sát phát hiện và giải tán họ.
Hàn Quốc và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu về việc áp dụng theo dõi vị trí nhằm hạn chế lây lan Covid-19. Cả hai cũng đã được đánh giá là có thành công bước đầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh khi xây dựng nhiều bản đồ trực tuyến để người dân và chính phủ có thể theo dõi vị trí người bị nhiễm hoặc những vùng đang có ca nhiễm bệnh cao, từ đó khoanh vùng và kiểm soát tốt hơn.
Một số quốc gia khác thậm chí mạnh tay hơn. Chẳng hạn, chính quyền Bulgaria sẽ có quyền truy tìm siêu dữ liệu, gồm lưu lượng điện thoại di động, vị trí và danh bạ Internet mà không cần lệnh của tòa án để theo dõi những người bị cách ly hoặc có các nguy cơ nhiễm virus triệt để hơn.
Thậm chí, Israel còn đưa vào hệ thống giám sát để dõi vị trí thực tế của tất cả người dùng điện thoại trong nước, bao gồm theo dõi vị trí, cuộc gọi và tin nhắn, thậm chí có khả năng truy cập máy ảnh và tai nghe của công dân. Cách thức này từng được Israel áp dụng để chống khủng bố, nhưng bị các nhà hoạt động nhân quyền lên án do vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng.
Ứng dụng di động
Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện. Một công ty khởi nghiệp ở Anh đã ra mắt phần mềm di động cho phép người dân tự báo cáo triệu chứng, sau đó gửi cho các cơ quan y tế. Hàn Quốc cũng triển khai ứng dụng có tên Corona 100m, trong đó áp dụng bản đồ hiển thị vị trí những người mắc Covid-19 trong bán kính 100 mét và đưa ra cảnh báo.
Trung Quốc cũng cho thử nghiệm trên diện rộng ứng dụng theo dõi người có khả năng lây nhiễm nCoV. Người dân nước này buộc phải cài phần mềm có tên Ant - Alipay vào điện thoại, mỗi người sẽ được cấp một mã vạch theo màu xanh, vàng hoặc đỏ tuỳ theo tình trạng sức khoẻ. Mã màu cho phép người dân có thể tự do di chuyển (mã xanh) hoặc buộc phải cách ly bảy ngày (mã vàng) cho đến hai tuần (mã đỏ). Một đội kiểm soát tại những nơi công cộng sẽ có trách nhiệm quét mã QR trên điện thoại từng người để phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai NCOVI và Vietnam Health Declaration, hai ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện dành cho người Việt Nam và khách nhập cảnh, ra mắt ngày 9/3. Dựa trên dữ liệu người dùng chia sẻ, hệ thống y tế sẽ biết các trường hợp cần chú ý để hỗ trợ nhanh nhất. Hiện ứng dụng được bổ sung mã QR để xác định tình trạng sức khoẻ của người dùng dựa trên thông tin đã khai báo. Mỗi lần thay đổi tình trạng sức khoẻ, mã QR cũng sẽ cập nhật và cho kết quả mới. So với ứng dụng Trung Quốc, mã QR tại Việt Nam không dùng màu sắc để phân biệt.
Camera quan sát
Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng camera tích hợp AI để truy tìm nguồn gốc người bị nhiễm nCoV. Thông qua mạng lưới rộng khắp và các công nghệ nhận diện khuôn mặt đi kèm, hệ thống có thể phát hiện được một người từng đến những địa điểm nào, tiếp xúc với ai, thời gian bao lâu... kể cả khi họ mang khẩu trang, từ đó đưa ra phương án cách ly.
Không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Ấn Độ cũng đang sử dụng camera quan sát để tìm kiếm nguồn gốc bệnh nhân. Chẳng hạn, một gia đình ba người sống tại quận Pathanamthitta (Ấn Độ) đã xét nghiệm dương tính với nCoV sau khi trở về từ Italy. Thông qua việc truy xuất camera đường phố và nhà dân, chính quyền địa phương đã xác định những người này đi nhiều nơi, khoanh vùng 900 người có thể bị nhiễm bệnh và đưa đi cách ly.
Robot, drone
Đầu tháng 3, một loạt các bệnh viện và bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán, nơi bùng phát Covid-19, bắt đầu đưa vào nhiều loại robot để phục vụ mục đích khác nhau, từ tiếp tế hàng hóa, vật dụng y tế từ bên ngoài vào bệnh viện, đến đo nhiệt độ, khám bệnh từ xa, cung cấp thức ăn và thuốc men cho bệnh nhân, cũng như khử trùng phòng bệnh. Cách làm này được đánh giá là giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người, từ đó nguy cơ lây bệnh giảm xuống.
Tại nhiều tòa nhà hoặc nơi công cộng ở Trung Quốc còn được trang bị robot gắn sẵn máy đo thân nhiệt, kèm camera AI và ứng dụng Big Data để phát hiện người có dấu hiệu sốt ở khoảng cách 5 mét. Hệ thống tương tự cũng được gắn sẵn vào mũ bảo hiểm cho cảnh sát, hoặc drone để cảnh báo người dân khi họ đang di chuyển trên đường phố.
Bên cạnh robot, một số thành phố của Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng drone để cảnh báo người dân. Cách làm phổ biến nhất là gắn loa phát thanh công suất lớn, kèm camera để phát hiện những người đang đi trên đường, yêu cầu họ về nhà hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi di chuyển.
Bảo Lâm tổng hợp