Ga tàu nơi Goubin làm việc đón 50.000 hành khách mỗi ngày. Do đó, việc xác định chính xác và kịp thời những người bị sốt, một trong những triệu chứng của Covid-19, là vô cùng cần thiết.
Nhân viên an ninh tại một nhà ga theo dõi hành khách qua hệ thống đo thân nhiệt. Ảnh: AP |
Hệ thống đo thân nhiệt mới được lắp đặt tại nhà ga ở các thành phố lớn là một trong vô số giải pháp của chính phủ Trung Quốc, ứng dụng AI và Big Data để phòng chống dịch bệnh.
Goubin cho biết, trường hợp duy nhất mà anh phải thông báo cho các cơ quan y tế là một nữ hành khách đến từ Hà Nam bị sốt ở mức 37,9 độ C. "Sau vài phút, nhiệt độ của cô ấy không giảm. Chúng tôi đã đưa cô ấy vào phòng cách ly trong nhà ga, lấy lịch sử di chuyển rồi thông báo cho cơ quan y tế", ông nói.
Theo Goubin, nếu phát hiện hành khách dương tính với Covid-19, bệnh viện sẽ thông báo cho cơ quan vận tải để lần lượt cảnh báo tất cả hành khách ngồi chung toa. "Chính quyền có thể làm điều này nhờ quy định tất cả mọi người phải khai báo tên thật khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng", ông nói thêm.
Hiện nay, các công ty công nghệ Trung Quốc chạy đua phát triển hệ thống đo thân nhiệt kèm nhận diện khuôn mặt.
Vào tháng 2, Megvii bắt đầu nghiên cứu giải pháp "đo thân nhiệt và nhận diện khuôn mặt qua camera hồng ngoại tích hợp" để giúp nhân viên an ninh ở sân bay và nhà ga "nhanh chóng phát hiện người bị sốt". Động thái này nhằm đáp lại lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc về công nghệ kiểm dịch mới.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt người đeo khẩu trang của Megvii. Ảnh: Megvii |
Trong tuyên bố vào ngày 26/1, Yeng Yixin, Phó giám đốc Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc cho biết: "Hệ thống nhận diện khuôn mặt và quản lý danh tính giúp chúng tôi theo dõi những trường hợp nghi nhiễm và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh".
"Các công nghệ tiên tiến chưa có khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003", Yixin giải thích thêm. "Vì vậy, tôi tin rằng công nghệ đứng về phía chúng tôi trong cuộc chiến chống Covid-19".
Trung Quốc được đánh giá là quốc gia có hệ thống giám sát tinh vi và lớn nhất thế giới. Hệ thống quản lý danh tính yêu cầu người dân dùng thẻ căn cước do chính phủ cấp để mua sim, đăng ký mạng xã hội, đi tàu, máy bay hay thậm chí mua đồ tạp hóa.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng quản lý người dân bằng 200 triệu camera an ninh trên cả nước. Một số camera được trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi hành vi phạm pháp, kể cả những lỗi nhỏ nhất.
Ren, chủ nhà hàng ở tỉnh Hồ Bắc cho biết, cảnh sát địa phương đã xuất hiện trước căn hộ của ông ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 23/1, đồng thời yêu cầu ông tự cách ly hai tuần. Vào cùng ngày, chính phủ ra lệnh phong tỏa toàn bộ tỉnh Hồ Bắc để ngăn dịch bệnh lan rộng.
"Cảnh sát lấy số điện thoại của tôi và nói sẽ gọi điện để kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày", Ren kể lại. Ngày hôm sau, khi đi đến một trang trại gần nhà để mua rau chuẩn bị cho bữa tối, ông nhận được cuộc gọi từ cảnh sát yêu cầu về nhà ngay lập tức.
"Tôi đoán họ phát hiện ra tôi khi trở về Tứ Xuyên từ Hồ Bắc vì tôi phải khai báo tên thật để mua vé tàu", Ren nói. "Điều làm tôi ngạc nhiên là họ lắp đặt camera an ninh trong khu phố nhỏ của tôi để theo dõi và đảm bảo tôi không rời khỏi nhà trong thời gian cách ly". Ông đã đếm được ít nhất bốn camera an ninh ở gần nhà.
Trung Quốc còn sử dụng công nghệ Big Data theo nhiều cách khác, như triển khai ứng dụng hoạt động dựa trên dữ liệu vị trí để xác định người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Ví dụ, nhà mạng China Mobile thường xuyên thông báo cho các hãng truyền thông về các ca nhiễm, gồm lịch sử di chuyển, thậm chí chỗ ngồi trên một chuyến tàu cụ thể. Ban đầu, các hãng truyền thông sẽ đăng tải thông tin này lên mạng xã hội và khuyến cáo người ảnh hưởng tự cách ly ở nhà.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc triển khai ứng dụng di động mang tên "Close Contact Detector". Khi nhập tên và số ID, người dân có thể quét mã QR để kiểm tra họ có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 hay không.
Ứng dụng Close Contact Detector cho phép người dân quét mã QR để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Ảnh: Abacus |
Trong thời gian mở cửa trở lại, một số công ty cũng yêu cầu nhân viên nộp "báo cáo xác minh lịch sử di chuyển" do nhà mạng cung cấp qua hệ thống tự phản hồi. Bản báo cáo này bao gồm những địa điểm họ đi tới trong vòng 14 ngày và thời gian cách ly dựa trên dữ liệu vị trí.
"Chúng tôi tin rằng, dữ liệu lớn có thể giúp chính phủ hành động kịp thời trước diễn biến mới của dịch bệnh. Để làm được điều này, chúng tôi cần tích hợp khả năng thu thập dữ liệu trên các hệ thống giám sát", Tiến sĩ Cecile, chuyên gia tại Viện sức khỏe quốc gia Mỹ nhận xét. "Trung Quốc đang sở hữu hệ thống giám sát toàn diện đã chứng minh hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu cần thiết".
Đại dịch đã mang đến cho chính phủ Trung Quốc lý do hoàn hảo để phát triển hệ thống giám sát khổng lồ, nhưng không ít người lo ngại công nghệ thu thập dữ liệu ảnh hưởng tới quyền riêng tư.
"Công nghệ kiểm dịch dựa trên dữ liệu cá nhân nên tôn trọng quy tắc tối giản và tránh thu thập quá mức", luật sư Qiu Baochang ở Bắc Kinh nói. "Điều quan trọng nhất là đảm bảo không có bất kỳ thông tin nào bị rò rỉ và tất cả dữ liệu thu thập sẽ bị xóa sau khi sử dụng".
"Tôi hiểu lý do căn bản đằng sau quyết định theo dõi người bị nghi nhiễm Covid-19 vì tình huống đặc biệt mà Trung Quốc phải đối mặt. Tuy nhiên, việc theo dõi cũng nên có giới hạn", Mu, một người sống tại Thành Đô cho biết. "Chúng tôi ngày càng lo lắng về việc chính phủ có bao nhiêu thông tin về người dân".
Việt Anh (theo Al Jazeera)