Khi vận động viên bơi Nhật Bản Yui Ohashi giành huy chương vàng trong nội dung 200 mét cá nhân hôm 28/7, trên màn hình TV xuất hiện đồ họa cho thấy tốc độ của các vận động viên tính bằng mét trên giây theo thời gian thực.
Hình ảnh này được thực hiện nhờ công nghệ tiên tiến của nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Omega. Bốn camera đặc biệt kết hợp với trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phân tích số lần quạt tay và gia tốc của những vận động viên bơi.
Alain Zobrist, CEO của công ty Omega Timing, cho biết công nghệ này cho người xem nhìn thấy toàn bộ cuộc đua và chỉ ra rõ các yếu tố quyết định ai là người chiến thắng.
Ngoài ra khi xem các trận đấu bóng rổ Olympic tại nhà, khán giả có thể thay đổi góc độ, vị trí xem nhờ vào camera ba chiều 5K độ nét cực cao của Intel. Người xem "sẽ có thể phát lại video và theo dõi chuyển động của bóng từ góc nhìn của người chơi", Kunimasa Suzuki, Chủ tịch chi nhánh Intel Nhật Bản cho biết.
OBS (Olympic Broadcasting Services), công ty chịu trách nhiệm sản xuất các cảnh quay tại Olympic, đã hợp tác với Panasonic để ghi lại hình ảnh của các trận đấu bắn cung bằng cách sử dụng máy ảnh có khả năng xác định nhịp tim. Bốn máy ảnh, đặt cách xa 20 mét, đo nhịp tim từ những thay đổi nhỏ nhất nhờ vào tông màu da.
Đài truyền hình Nhật Bản NHK cũng trình diễn khả năng công nghệ khi phát sóng Thế vận hội ở độ phân giải cao chất lượng 4K và 8K. Các phương tiện phát sóng, máy ảnh tốc độ cao và thiết bị quay chậm - tất cả đều tương thích 8K - hoạt động song song để ghi lại các trận đấu judo, bơi lội và các sự kiện khác với độ sắc nét cao.
Theo Hiệp hội Xúc tiến Dịch vụ Phát sóng Nâng cao có trụ sở tại Tokyo, gần 460.000 thiết bị hỗ trợ 4K và 8K đã được bán tại Nhật Bản chỉ trong tháng 6, số lượng cao thứ hai từng được ghi nhận.
Trong khi đó, đài truyền hình Tokyo TBS cung cấp cho người hâm mộ cơ hội cổ vũ cho các vận động viên thông qua chương trình "cổ vũ từ xa". Cảnh người hâm mộ cổ vũ qua webcam sẽ được chèn trên ghế ngồi của khán giả trong quá trình phát sóng trực tiếp sự kiện. Vì hầu hết sự kiện Olympic sẽ được tổ chức mà không có khán giả, hình thức phát trực tuyến livestream được nhiều các khán giả lựa chọn theo dõi. Số lượt truy cập vào gorin.jp, trang web phát trực tuyến chính thức của các đài truyền hình thương mại, đã rất cao. Khoảng 2.000 giờ video dự kiến sẽ được trình chiếu, bao gồm các chương trình phát sóng thương mại và các chương trình chỉ qua Internet.
Một đại diện từ Hiệp hội Phát thanh Thương mại Nhật Bản cho biết, mặc dù số lượt truy cập không được tiết lộ, "vào ngày thứ tư của Thế vận hội, số lượt xem đã vượt qua số lượng của Thế vận hội mùa hè 2016 ở Rio và Thế vận hội mùa đông 2018 ở Pyeongchang".
Thế vận hội Olympic từ lâu được xem là sự kiện trình diễn và áp dụng nhiều công nghệ phát sóng tiên tiến. Trong Thế vận hội Tokyo năm 1964, các chương trình phát sóng trực tiếp có màu và nguồn cấp dữ liệu vệ tinh lần đầu ra mắt thế giới. Trong Thế vận hội London 2012, BBC đã hợp tác phát sóng một số sự kiện ở định dạng 4K và 8K, được trình chiếu ở Nhật Bản tại các địa điểm xem công cộng.
Đăng Thiên (theo Nikkei Asia)