Tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9, bộ phim dài 40 phút Jesus VR: The Story of Christ trở thành tâm điểm chú ý. Phim được nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ Guardian gọi là bước đột phá lớn khi là tác phẩm đầu tiên được trình chiếu dưới định dạng thực tế ảo (virtual reality). Trước đó tại Cannes vào tháng 5, đạo diễn Madagascar Eric Darnell công chiếu phim ngắn 6 phút Invasion!, áp dụng công nghệ này và khẳng định đây là thứ ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới. Đầu mùa hè, một rạp chiếu phim áp dụng công nghệ thực tế ảo đầu tiên được mở ở Toronto, Canada với tên gọi Vivid. Công nghệ thực tế ảo đang là cơn sốt mới trong làng điện ảnh thế giới.
Thực tế ảo là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính. Khi phim áp dụng công nghệ này, người xem cần đeo một chiếc kính để thưởng thức tác phẩm. Với hỗ trợ của kính, khán giả thấy mình thật sự đứng bên trong bộ phim và có thể xoay được mọi hướng (360 độ) để theo dõi nhân vật và diễn biến cốt truyện. Khi người xem quay sang trái, phải thì cảnh phim cũng dịch chuyển theo hướng tương ứng.
Công nghệ thực tế ảo hứa hẹn mang đến trải nghiệm thưởng thức điện ảnh hoàn toàn mới. Hiện nay với các phim truyền thống, khán giả chỉ có thể xem theo góc nhìn đạo diễn quy định. Định dạng 3D tạo ra chiều sâu, IMAX mang đến một màn hình lớn bao phủ người xem, nhưng phần hình ảnh vẫn là “cố định”.
Với thực tế ảo, khán giả có thể xoay theo nhiều hướng khác nhau và tự chọn góc nhìn cho bản thân. Ví dụ, khi phim Avengers được chiếu dưới định dạng thực tế ảo, khán giả sẽ có thể tự lựa chọn để quan sát thành viên nào mình yêu thích trong nhóm siêu anh hùng trong cùng trận đánh. Thế giới hùng vĩ của hành tinh Pandora được nhìn theo một góc hoàn toàn mới nếu phiên bản Avatar năm 2009 áp dụng công nghệ mới. Mỗi lần xem sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, và giữa hai người xem khác nhau cũng là hai trải nghiệm riêng biệt.
Chris Milk - người sáng lập công ty VRSE - đề cao khả năng tác động đến cảm xúc của thực tế ảo. Sự tương tác của khán giả với các hình ảnh giả lập cao hơn hẳn phong cách truyền thống. Trong bộ phim Evolution of Verse của ông Milk, người xem tiếp cận một chiếc tàu đang lao nhanh tới và vài người đã thét lên. “Bạn không thể làm ruột gan khán giả chao đảo với một phim truyền thống. Chúng tôi thật sự đùa giỡn với điều đó. Chúng tôi khiến bạn cảm thấy cơ thể mình gắn liền với cảm xúc về một nhân vật”, Milk nói.
Ông Gary Tam - chủ rạp Vivid - khẳng định rằng công nghệ thực tế ảo còn giúp tiết kiệm chi phí đi lại. Nếu không có khả năng đến một viện bảo tàng ở Pháp hay đi lặn để ngắm cá voi, khán giả hoàn toàn có thể trải nghiệm điều này với kính thực tế ảo. Với phim ảnh, chúng sẽ mang lại trải nghiệm độc nhất vô nhị như đi vào không gian hay chứng kiến những con quái vật biển sống động.
Video mô tả trải nghiệm công nghệ thực tế ảo |
|
Dù vậy, về lâu dài giới chuyên môn cho rằng công nghệ thực tế ảo khó trở thành tương lai của điện ảnh.
Trở ngại lớn hơn là việc thực tế ảo thay đổi hoàn toàn cách kể chuyện. Chuyên gia kỹ xảo David Feuillatre nói: “Phim kỹ thuật số chỉ là sự thay đổi công nghệ; chúng không thay đổi cách người ta kể chuyện mà chỉ là cách biên tập. Với thực tế ảo, chúng ta không còn biết kể chuyện bằng cách nào nữa. Chúng ta đang tái phát minh mọi thứ”. Trên thực tế, chưa có phim thực tế ảo nào có cốt truyện đạt tới sự phức tạp, đa chiều như phim điện ảnh. Ngay cả tác phẩm gây sốt vừa qua Jesus VR: The Story of Christ cũng chỉ là một chuỗi những thước phim về hành trình của Chúa.
Với điện ảnh truyền thống, đạo diễn là người định hướng sự chú ý thông qua góc nhìn, khuôn hình và ánh sáng. Khi xem thực tế ảo, khán giả có thể bỏ sót nhiều tình tiết quan trọng nếu quá chú ý vào những chi tiết khác. Nếu chỉ được chọn nhìn cận để theo dõi Người Sắt, nhiều khả năng khán giả không nhận ra Captain America vừa bị bắn trọng thương trong Avengers. Ngoài ra, dựng phim có ý nghĩa đặc biệt trong điện ảnh. Ở trường đoạn gã tâm thần giết người trong buồng tắm kinh điển của phim Psycho, Alfred Hitchcock dùng kỹ thuật camera luân phiên đầy tính toán để gieo rắc nỗi sợ hãi và ẩn dụ về chiều sâu tâm lý. Nếu xem phim bằng công nghệ thực tế ảo, khán giả sẽ không xem đúng thứ tự và góc quay này, và rồi không thể cảm nhận hết ý đồ của đạo diễn.
Đồng quan điểm với David Feuillatre, Steven Spielberg e ngại công nghệ thực tế ảo là một phương tiện “nguy hiểm” vì người xem có thể không đi theo định hướng của người kể chuyện. “Tôi hy vọng nó không bỏ qua câu chuyện khi bắt đầu bao phủ người xem trong một thế giới mà chúng ta có thể nhìn tất cả xung quanh và tự quyết định rằng sẽ xem thứ gì”, vị đạo diễn 69 tuổi chia sẻ trên Telegraph.
Ngoài ra, vài ý kiến phản bác công nghệ thực tế ảo xoay quanh vấn đề chi phí và kỹ thuật điện ảnh. Hiện tại, kính thực tế ảo Oculus Rift có giá lên đến 600 USD, chưa kể khoảng 1.000 USD cho dàn máy tính tương thích. Bộ kính cũng khá nặng để có thể đeo trong suốt hai giờ đồng hồ.
>> Xem thêm:
Diễn viên thế kỷ 21 'bất tử hóa' nhờ công nghệ vi tính
10 diễn viên 'sống lại' trên phim nhờ công nghệ và kỹ xảo
Bom tấn 'Cậu bé rừng xanh' được dựng 100% bằng kỹ xảo thế nào
Ân Nguyễn