Công nghệ nhận dạng khuôn mặt phát triển với tốc độ chóng mặt khi công chúng chấp nhận đánh đổi quyền riêng tư để lấy an ninh công cộng và sự thuận tiện. Nhưng một luật mới được áp dụng tuần qua yêu cầu những người dùng điện thoại di động mới phải đăng ký khuôn mặt của mình đang khiến người dân Trung Quốc đặt ra câu hỏi liệu công nghệ này đã đi quá xa?
"Hậu quả nếu dữ liệu khuôn mặt bị rò rỉ là vô cùng nghiêm trọng", Wang Junxia, 23 tuổi, nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, cho hay. "Điều tôi quan tâm là liệu việc đăng ký như vậy có phù hợp không và liệu quy trình đó có khả năng bảo vệ dữ liệu khuôn mặt người dùng không?".
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được triển lãm tại một hội chợ ở Bắc Kinh hồi năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Wang không phải người duy nhất lo âu. Theo một cuộc khảo sát trực tuyến do báo China Daily thực hiện hồi tháng trước, 65% người tham gia cho biết họ phản đối việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong không gian công cộng. Một cuộc kháo sát trong tuần qua của Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Thông tin Cá nhân Nam Đô ở Bắc Kinh cho thấy 74% người tham gia nói họ muốn lựa chọn phương pháp nhận dạng truyền thống thay vì nhận dạng khuôn mặt.
Theo luật mới, bất kỳ ai đăng ký SIM mới đều phải gửi bản quét nhận dạng khuôn mặt và các công ty viễn thông được yêu cầu sử dụng "trí tuệ nhân tạo và các phương pháp kỹ thuật khác" để xác minh danh tính người dùng.
Wang Min, 40 tuổi, bà nội trợ ở Bắc Kinh, cho biết luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/12, "không phải vấn đề lớn", bởi công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện quá phổ biến. Nhưng, bà cũng lo lắng về bảo mật dữ liệu.
"Tôi chỉ mong công nghệ đã phát triển chín muồi, mọi điều luật đều rõ ràng và dữ liệu sẽ không bị rò rỉ như sự cố từng xảy ra với Twitter", Wang nói.
Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với những quy trình kiểm duyệt khắt khe trên toàn cầu liên quan đến việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt cùng những công nghệ giám sát khác.
Hồi tháng 10, Mỹ liệt vào danh sách đen một số công ty công nghệ Trung Quốc như Dahua, Hikvision, iFLYTEK và SenseTime với cáo buộc tiếp tay cho việc giám sát trên quy mô lớn người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập các chỉ dẫn quốc tế cho ngành công nghiệp thiết bị giám sát càng đẩy cuộc tranh cãi đi xa. Dahua, ZTE và China Telecom đang đệ trình các bộ tiêu chuẩn quốc tế mới lên Liên minh Viễn thông Quốc tế, một tổ chức có mối liên hệ với Liên Hợp Quốc.
Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ giám sát ứng dụng trí thông minh nhân tạo tới 63 quốc gia, nhiều hơn cả Mỹ hay Nhật Bản. Việc đề xuất các tiêu chuẩn công nghiệp sẽ mang đến cho họ nhiều lợi thế hơn nữa.
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá công nghệ nhận dạng khuôn mặt vẫn sẽ phát triển rực rỡ ở Trung Quốc, đặc biệt khi mà chính phủ nước này thường xuyên viện dẫn lý do an toàn và trật tự công cộng để triển khai chúng.
Chẳng hạn, việc đặt ra yêu cầu về nhận dạng khuôn mặt với điện thoại di động là nhằm chống lại các hành vi gian lận, lừa đảo trực tuyến, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc. Hay như ở Thượng Hải, chính quyền thành phố cho hiển thị khuôn mặt của những người vi phạm giao thông trên màn hình LED tại các ngã tư đường như một biện pháp răn đe.
Trung tâm Ung bướu Thượng Hải đã ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để ngăn chặn những kẻ lừa đảo bán các cuộc hẹn y tế qua mạng. Bệnh viện tại những thành phố lớn ở Trung Quốc thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải bởi các bệnh nhân từ vùng nông thôn hiện nay có xu hướng "mua" các cuộc hẹn gặp bác sĩ nhằm tránh phải chờ đợi lâu.
Ở Bắc Kinh, các nhà vận hành tàu điện ngầm có kế hoạch sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tiến hành kiểm tra an ninh tại những trạm quá đông đúc. Một "hệ thống tín nhiệm" sẽ phân chia hành khách thành hai loại, truyền thông địa phương đưa tin. Những người ở "danh sách trắng" sẽ được thông qua dễ dàng hơn còn những người ở danh sách "bất thường" sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra bổ sung.
Đề xuất trên lập tức hứng chịu một làn sóng chỉ trích trên các trang mạng xã hội Trung Quốc và nhà điều hành tàu điện ngầm cho hay họ chưa định thực hiện kế hoạch ngay lập tức.
Một số ứng dụng khác cũng gây ra những phản ứng dữ dội tương tự. Hồi tháng 10, một giáo sư tại Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang đã kiện Công viên Động vật Hoang dã Hàng Châu vì dùng công nghệ nhân dạng khuôn mặt để kiểm soát người ra vào vườn thú với lý do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Zhao Zhanling, luật sư về an ninh mạng tại công ty luật Zhilin, trụ sở Bắc Kinh, nỗi hoang mang của công chúng về công nghệ nhận dạng khuôn mặt là "hoàn toàn có lý".
"Nhiều công ty ở Trung Quốc rất kém trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thậm chí vài công ty còn cố tình làm rò rỉ thông tin của khách hàng", Zhao cho hay.
Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây đưa tin hơn 5.000 ảnh chân dung của các công dân nước này đã bị rao bán trên mạng với giá 1,4 USD mỗi bức. Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ trên mạng, báo China Daily còn kêu gọi điều tra.
Các camera giám sát do công ty Hikvision sản xuất được gắn tại một trạm thử nghiệm gần trụ sở của công ty này ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, theo Zhou, còn quá sớm để biết liệu sự phản kháng của công chúng có giúp xoay chuyển tình hình hay không. Shi Jingyuan, đối tác tại văn phòng Thâm Quyến của công ty luật Simmons & Simmons, cũng có chung nhận định.
"Tôi nghĩ công chúng Trung Quốc không hoàn toàn khước từ công nghệ nhận dạng khuôn mặt", Shi nói. "Nó còn phụ thuộc vào việc người dùng nhận lại được gì từ việc đánh đổi quyền riêng tư". Phần đông sẽ chấp nhận nhận dạng khuôn mặt vì lý do an toàn công cộng nhưng quét khuôn mặt của họ để vào sở thú thì sẽ bị phản đối mạnh mẽ, bà đánh giá.
"Dù sao, sự phát triển rộng rãi của công nghệ nhận dạng khuôn mặt là không thể tránh khỏi", Shi nói. "Một số nước tăng tốc nhanh, số khác chậm hơn. Nhưng cuối cùng, chúng ta đều sẽ phải sống chung với nó".
Vũ Hoàng (Theo Nikkei Asian Review)