Được tích hợp vào các hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC), công nghệ sử dụng những ống chuyên dụng hút phân tử oxy từ không khí và biến đổi chúng thành nguyên tử mang điện tích bám thành cụm quanh vi hạt, bao vây và vô hiệu hóa những vật chất gây hại như nấm mốc, vi khuẩn, virus và tác nhân gây dị ứng. Ion cũng bám vào những giọt dịch lỏng bắn ra từ đường hô hấp và hạt bụi có thể phát tán virus, phóng đại chúng để máy lọc dễ giữ lại hơn. Đó là một quá trình có tác dụng khử khuẩn liên tục.
Một số chuyên gia lo ngại những giọt dịch lỏng chứa virus có thể bắn xa hơn khoảng cách khuyến cáo 2 mét và tồn tại lâu hơn trong không khí. Được sử dụng rộng rãi ở châu Âu từ lâu, công nghệ ion hóa lưỡng cực lần đầu tiên du nhập vào Mỹ vào thập niên 1970 như một công cụ kiểm soát mầm bệnh trong sản xuất thực phẩm. Công nghệ này cũng phát huy hiệu quả trong dịch SARS, MERS và nhiều chủng cúm mùa. Những thành tựu gần đây khiến thiết bị trở nên rẻ hơn và dễ lắp đặt hơn. Theo Tierno, do họ virus corona có màng bao bọc, chúng dễ bị tiêu diệt hơn virus không màng như họ norovirus.
Các bệnh viện bao gồm Johns Hopkins, Bệnh viện nhi Boston và Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã ứng dụng công nghệ ion hóa lưỡng cực. Tony Abate, giám đốc công nghệ của công ty AtmosAir Solutions, dự đoán hệ thống ion hóa lưỡng cực sẽ trở thành thiết bị tiêu chuẩn trong môi trường bệnh viện, giúp bảo vệ bệnh nhân và nhân viên y tế. Những nhà ga sân bay ở LaGuardia, O'Hare, Los Angeles, San Francisco, trụ sở của Google ở Chicago và San Jose cũng lắp đặt hệ thống ion hóa lưỡng cực nhằm ngăn ngừa mầm bệnh.
An Khang (Theo Business Insider)