Hệ thống đánh lửa đã có những bước phát triển vượt bậc, từ thiết bị đánh lửa tiếp điểm một cuộn dây (bô-bin đánh lửa) tới công nghệ đánh lửa điện tử trên giàn bu-gi chứa tới 4 hay 6 chiếc, sử dụng nhiều cuộn dây, chưa kể tới các công nghệ điều chỉnh điện tử khác. Thậm chí, một vài hệ thống đánh lửa mới còn sử dụng một cuộn dây độc lập cho từng xi-lanh nhằm cung cấp điện thế đánh lửa cao hơn và loại bỏ được mớ dây dẫn lằng nhằng.
![]() |
Cấu trúc động cơ với bu-gi đánh lửa chính giữa. Ảnh: HSW. |
Trong trường hợp động cơ làm việc bình thường và xe không có hỏng hóc, bộ đánh lửa cần có điện thế 8.000-14.000 volt để sinh tia lửa điện qua khoảng cách giữa cực tâm và cực mát, nhằm kích hoạt sự cháy của hỗn hợp không khí-nhiên liệu được nén ở áp suất cao. Các hệ thống đánh lửa tiếp điểm cũ, trước những năm 1970, có thể sinh điện thế tối đa khoảng 18.000-20.000 volt, ở vòng tua thấp và khi vòng tua tăng cao, điện thế đánh lửa lại giảm. Khi cực tâm nóng lên, nó cần điện thế cao hơn mức mà cuộn đánh lửa có thể cung cấp. Chính vì vậy, những chiếc xe thời đó thường phải thay bu-gi sau 16.000 km đi được.
Ngày nay, hệ thống đánh lửa điện tử thông thường cung cấp điện thế tối đa ở 50.000 volt hoặc hơn, vì vậy, chúng có thể hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng mòn điện cực bu-gi bằng cách cung cấp điện thế cao hơn nếu cần thiết. Trong điều kiện vận hành bình thường, điện thế chỉ ở khoảng 8.000-14.000 volt và tăng lên đôi chút khi bu-gi mòn. Nhờ khả năng điều chỉnh điện thế một cách linh động nên các bu-gi hiện đại có tuổi thọ ít nhất 160.000 km, cao hơn 10 lần so với sử dụng hệ thống đánh lửa tiếp điểm.
Trên thị trường, có một vài sản phẩm của các nhà sản xuất phụ kiện có khả năng sinh điện thế cực đại cao hơn. Tuy nhiên, giá trị này thực sự không cần thiết và nó chỉ có tác dụng nếu động cơ thường xuyên chạy ở vòng tua cao hay động cơ có tỷ số nén lớn và trong những điều kiện mà nó phải hoạt động hết công suất (như xe đua chẳng hạn). Với những xe hoạt động bình thường, những loại bu-gi này có thể làm hỏng động cơ, hệ thống điện…
Một số hãng còn thiết kế loại bu-gi đánh nhiều tia lửa. Nếu tia lửa đầu tiên không đốt cháy được hỗn hợp không khí - nhiên liệu, tia lửa thứ hai có thể làm điều đó. Trên thực tế, hệ thống này chỉ có tác dụng tốt khi động cơ ở chế độ vòng tua thấp, khi vòng tua máy cao, chỉ cần một tia lửa điện là có thể đốt cháy hỗn hợp.
Ngoài ra, hiện có nhiều loại bu-gi khác nhau với các thiết kế phong phú. Một vài chiếc thiết kế cực mát hình chữ V hay chữ U, một vài loại có tới 4 điện cực mát. Hình dạng của điện cực mát có thể sinh ra tia lửa điện phù hợp để kích thích quá trình bắt cháy. Những loại bu-gi này có hiệu suất cao và bền hơn số còn lại bởi được chế tạo từ các vật liệu chống mòn như Platin (Pt).
Nếu bu-gi bị mòn, xe thường khó nổ máy và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn so với bình thường. Các tài liệu hướng dẫn sử dụng thường khuyên thay bu-gi sau 80.000-100.000 km để động cơ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng kéo dài tuổi thọ chiếc bu-gi lắp trên xe mới mua bởi nó phù hợp nhất với thiết kế máy cũng như các thông số kỹ thuật khác.
Cuối cùng, một lưu ý tới những người sử dụng là dây dẫn điện thường bị hở. Khi đó, dòng điện thoát ra ngoài thay vì tới bu-gi lại chạy ra ngoài nên không đủ điện thế để bu-gi đánh lửa. Vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra dây dẫn điện và thay thế kịp thời nếu phát hiện ra sự cố.
Nguyễn Nghĩa