Bên cạnh các liên doanh nổi tiếng như Tesla và SpaceX, Elon Musk còn sở hữu một công ty có tên gọi Neuralink. Được thành lập năm 2017, Neuralink đang nỗ lực chế tạo chip máy tính có thể cấy vào não người.
Trước mắt, những con chip này nhằm nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về thần kinh như Parkinson. Trên lý thuyết, các bộ phận giả được kết nối không dây với chip não này thậm chí có thể giúp khôi phục cử động ở bệnh nhân bị liệt.
Nhưng những ứng dụng ngắn hạn đó chưa đủ để thỏa mãn Musk. Trong buổi giới thiệu Neuralink hồi tháng 8, vị tỷ phú tuyên bố thiết bị này sẽ cho phép con người "lưu trữ và hồi tưởng ký ức," hoặc thậm chí "triệu hồi" ôtô của họ nhờ "thần giao cách cảm".
Hôm 28/8, Musk đã phát trực tiếp buổi ra mắt thiết bị Neuralink đang hoạt động và được cấy vào não bộ một chú lợn có tên Gertrude. Thiết bị được gắn trong hộp sọ Gertrude, các điện cực trên dây dẫn truyền vào não bộ có khả năng phát hiện, ghi lại và, trên lý thuyết, kích thích hoạt động của não.
Giáo sư thần kinh học Andrew Jackson đến từ Đại học Newcastle, người có kinh nghiệm trong việc cấy ghép giao diện thần kinh ở động vật, đã vô cùng kinh ngạc với loại chip này. Ông nhận định "một trong những điều ấn ượng là họ đang gia tăng số lượng kênh có thể ghi lại".
Trước đó, sản phẩm thương mại tốt nhất có thể dùng trong thử nghiệm không dây trên động vật chỉ ghi lại được khoảng 100 kênh, trong khi thiết bị của Neuralink đã tăng con số đó lên 1.000.
Jackson cho biết bản thân việc đưa thiết bị Neuralink đựng trong một gói nhỏ vào được hộp sọ đã là một bước tiến lớn. "Rõ ràng đó là điều quan trọng đối với con người, nhưng ngay lúc này, tôi nghĩ nó còn rất hữu ích cho những người làm việc với động vật", ông nói.
Vị giáo sư cho biết hiện tại, rất nhiều ca cấy ghép thần kinh thử nghiệm động vật vẫn để lại dây nối qua da và liên kết không dây hoàn toàn nằm dưới lớp da sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
"Ngay cả khi công nghệ không làm được gì hơn so với khả năng hiện tại của chúng ta - về số lượng kênh, hoặc bất cứ khía cạnh nào khác - nhưng xét về mặt phúc lợi cho động vật, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu bạn có thể làm thí nghiệm mà không phải luồn dây ra ngoài da".
Jackson nói thêm: "Neuralink đã cân nhắc vấn đề đạo đức trong thí nghiệm trên động vật. Tôi nghĩ thật tốt khi ít nhất họ đã công nhận điều quan trọng là những con vật này phải được chăm sóc tốt".
Quy trình thử nghiệm trên động vật sẽ phải kéo dài đến vài năm để chắc chắn thiết bị không "biến chất" trở nên độc hại và sẽ hoạt động mãi mãi. Vì thế vấn đề phúc lợi của những động vật thử nghiệm như Gertrude là rất quan trọng. Đây cũng là cơ sở góp phần đảm bảo an toàn cho bất kỳ cá nhân nào tham gia thử nghiệm lắp đặt thiết bị trên người ở giai đoạn sau.
"Mọi thứ bạn đưa vào cơ thể dần dần bị mô sẹo bao phủ. Khi mô sẹo bít kín những thiết bị này, việc lắng nghe tín hiệu từ chúng sẽ ngày càng khó khăn. Quá trình đó có thể tốn vài ngày cho đến hàng năm trời", Jackson nói. "Độ tuổi thường gặp chấn thương tủy sống là 18, như vậy, bạn sẽ phải sống với tình trạng đó trong khoảng 5 thập kỷ. Vì thế, để trở nên thực sự hữu ích, thời gian 'sống' của những thiết bị này cần được tính bằng thập kỷ chứ không phải tháng".
Trong buổi giới thiệu, Musk cho biết họ đã cấy Neuralink vào não Gertrude được hai tháng. Thiết bị này chuyển tiếp thông tin khi Gertrude ngửi xung quanh, và có thể dự đoán chính xác vị trí chân khi Gertrude cử động trên máy chạy bộ.
Đối với các nhà thần kinh học như Jackson, điều đó không có gì mới mẻ. Ông nói: "Đã có nhiều thí nghiệm thể hiện điều đó, từ hành động đi bộ, chuyển động của chân và cả chuyển động của hai chi trên ở khỉ".
Jackson tỏ ra quan ngại hơn về tuyên bố của Musk, rằng một ngày nào đó công nghệ này có thể kết hợp với AI để nâng cao nhận thức của con người: "Đó là điều không tưởng, hơn nữa, tôi nghĩ rằng cơ sở khoa học thần kinh cho nhận định đó không hề vững chãi. Chúng ta biết quá ít về cách vận hành của những quá trình ấy trong não bộ, và việc bạn đoán được vị trí chân con lợn khi đi trên máy chạy bộ không có nghĩa là bạn đọc được suy nghĩ".
Bất chấp những tuyên bố hùng hồn về việc hợp nhất ý thức con người và máy tính, Jackson tỏ ra rất hứng thú với viễn cảnh Neuralink được sử dụng rộng rãi trong thí nghiệm trên động vật.
"Tôi hy vọng họ đi theo hướng đó và đưa công nghệ này trở nên phổ biến rộng rãi trong thí nghiệm trên động vật, bên cạnh mục tiêu họ đang theo đuổi - sử dụng trên con người", ông nói. "Cải thiện thử nghiệm trên động vật cũng có nghĩa là đem lại chất lượng cao hơn cho quá trình thử nghiệm trên con người", Jackson chia sẻ.
Hải Yến (theo BI)