Theo các thống kê trong ngành bán dẫn, TSMC - có trụ sở tại Đài Loan - đang chiếm hơn 90% sản lượng các dòng chip cao cấp toàn cầu và sở hữu những dây chuyền chế tạo chip bán dẫn hiện đại hàng đầu. Điều này khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc vào Đài Loan trong bối cảnh hai siêu cường đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Việc Trung Quốc kiểm soát các nhà máy của TSMC sẽ đe dọa vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, không gì bảo đảm Bắc Kinh có thể giành được những nhà máy này nguyên vẹn. Chúng có thể bị phá hủy hay bị cắt đứt nguồn cung chip cho ngành công nghiệp điện tử khổng lồ của Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách phá thế phụ thuộc vào bán dẫn Đài Loan. Washington hối thúc TSMC xây dựng nhà máy chế tạo chip hiện đại ở Mỹ, đồng thời chuẩn bị chi hàng tỷ USD để tái thiết ngành sản xuất bán dẫn nội địa. Bắc Kinh cũng chi tiêu mạnh tay, nhưng ngành chip của nước này vẫn thua kém TSMC khoảng 10 năm trong nhiều lĩnh vực then chốt. Giới phân tích cho rằng khoảng cách sẽ còn bị nới rộng trong vài năm tới.
Sự lo ngại của Mỹ và Trung Quốc
Washington đang thể hiện lo ngại vì phải phụ thuộc vào ngành chip Đài Loan trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo.
"Vấn đề lớn đối với Mỹ là kịch bản Trung Quốc kiểm soát được năng lực bán dẫn của Đài Loan. Đó sẽ là đòn nặng giáng vào kinh tế Mỹ, cũng như khả năng triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại của nước này", Martijn Rasser, cựu sĩ quan cấp cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận xét.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách bảo đảm tiếp cận được những chip bán dẫn phía sau các công nghệ dân sự và quân sự hiện đại nhất thế giới, từ smartphone đến thiết bị chẩn đoán y khoa và vũ khí. Các công ty Đài Loan như TSMC đang làm chủ công nghệ sản xuất những dòng chip tối tân dùng quy trình dưới 10 nm.
Nỗi lo hàng đầu của Mỹ lúc này là mất lợi thế trong cuộc đua ứng dụng AI vào quân sự. AI giúp máy móc vượt qua con người trong việc giải quyết vấn đề và ra quyết định. Nó được kỳ vọng mang lại cuộc cách mạng mới trên chiến trường và phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ bán dẫn.
Giới chuyên gia cho rằng ngành bán dẫn Mỹ vẫn thống trị thế giới thông qua vị thế dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển và thiết kế. Tuy nhiên, phần lớn quá trình sản xuất lại được chuyển ra nước ngoài, trong đó Đài Loan là một trong những điểm đến hàng đầu.
Trong báo cáo gửi quốc hội Mỹ hồi tháng 3, Ủy ban An ninh Quốc gia về AI cảnh báo mối đe dọa nhằm vào TSMC đã làm lộ điểm yếu với Mỹ. "Đài Loan sản xuất phần lớn chip tối tân và nằm không xa đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Nếu một đối thủ tiềm tàng có thể vượt mặt Mỹ về công nghệ bán dẫn trong dài hạn hoặc đột ngột cắt nguồn cung chip tiên tiến, họ có thể giành lợi thế trong mọi mặt trận", báo cáo có đoạn.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng có nhiều thứ để mất. Nguồn cung chip từ Đài Loan nếu bị cắt đứt có thể dẫn tới sự sụp đổ của nhiều ngành công nghiệp. Trung Quốc hiện chiếm tới 60% nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cuối năm ngoái. Hơn 90% chip bán dẫn được dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới là nhập khẩu hoặc do công ty nước ngoài chế tạo tại nước này.
Phụ thuộc vào công ty nước ngoài khiến các doanh nghiệp Trung Quốc dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị, điều đang xảy ra với Huawei.
Chính phủ Mỹ năm ngoái thông qua quy định yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài, nếu sử dụng công nghệ chế tạo chip của Mỹ, sẽ phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho Huawei. Hầu hết nguồn chip của Huawei đến từ TSMC. Quy định mới đồng nghĩa TSMC không thể tiếp tục sản xuất chip cho Huawei, đánh sập mảng kinh doanh smartphone của hãng công nghệ Trung Quốc.
Công ty SMIC (Trung Quốc) hiện có thể chế tạo lượng lớn chip 28 nm trong TV và ôtô - lĩnh vực Bắc Kinh có thể duy trì thành công giữa tình trạng khan hiếm chip. Tuy nhiên, TSMC hiện đã tiến đến công nghệ 3 nm, còn SMIC sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để làm chủ những tiến trình cũ hơn, vốn đã được TSMC sử dụng thuần thục từ lâu.
Điệp Anh (theo Reuters)