Đến nhà hàng Nhật ở bất cứ đâu, mỗi thực khách sẽ được phục vụ một chiếc khăn đặt trên đĩa ngay khi vừa ổn định chỗ ngồi. Khăn thường làm bằng vải, có màu trắng, được cuộn tròn. Chiếc khăn này theo tiếng Nhật được gọi là oshibori, có nghĩa là siết chặt, xuất phát từ thói quen vắt khăn ướt để lau cơ thể của người dân xứ sở mặt trời mọc.
Trong văn hóa Nhật Bản, oshibori vốn được sử dụng để lau tay trước bữa ăn. Xuất hiện từ những năm 1600, oshibori phổ biến trong các quán trà Nhật, lữ khách dùng để lau tay sạch sẽ, thoải mái trước khi thưởng trà, dùng bữa. Đây được coi là một hành động thể hiện lòng hiếu khách của chủ quán, tinh thần này còn tồn tại đến nay.
Nếu như thực khách thường dùng khăn để lau mặt, cổ hoặc để vệ sinh tay, miệng trong và sau khi ăn tại nhà hàng, thì hành động đó có thể bị coi là bất lịch sự với người Nhật. Để lau miệng, nhà hàng Nhật có khăn giấy khô để sẵn trên bàn hoặc phục vụ theo bộ thìa, đũa.
Theo chủ một nhà hàng Nhật ở TP HCM, từng có khách Việt dùng khăn lau khắp từ mặt xuống ngực rồi vò một nhúm để trên bàn, thậm chí có người lấy oshibori lau đồ ăn rơi vãi trên bàn khiến vài vị khách Nhật tỏ vẻ khó chịu. Do đó, chủ quán dặn nhân viên phải giới thiệu với khách công dụng đích thực của khăn, tránh những hành động phản cảm.
Những chiếc khăn vải thường được giặt sạch rồi tái sử dụng. Đó là lý do bạn không nên dùng nó lau khắp trên cơ thể. Vì bạn không biết vị khách trước đã lau những gì, và cũng không nên để vị khách sau bạn rơi vào tình trạng tương tự.
Từng sống 4 năm và làm việc trong nhiều quán ăn, nhà hàng từ bình dân đến cao cấp ở Osaka (Nhật Bản), anh Lê Hoàng Việt (1993, Hà Nội) cho biết thực tế người Nhật đi ăn vẫn dùng oshibori để lau mặt, không phải lúc nào răm rắp theo khái niệm là chỉ để lau tay. Tuy vậy, cử chỉ lau mặt của thực khách Nhật lại nhẹ nhàng, thanh lịch, không vồ vập lau như vò mặt. Khi lau xong họ gấp gọn khăn lại để trên đĩa hoặc vỏ gói. Khách Nhật chuộng dùng khăn vải vì có thể kiểm tra được độ ẩm phù hợp, khi lau không bị ướt át như phần lớn khăn gói sẵn, Hoàng Việt nói thêm.
Ngoài mục đích vệ sinh, khăn còn giúp thực khách ổn định thân nhiệt khi từ ngoài trời bước vào. Các nhà hàng phục vụ khăn tùy theo thời tiết và yêu cầu của khách. Khăn lạnh dùng khi tiết trời nóng và khăn nóng dùng trong mùa đông. Khăn sạch được làm ẩm, gấp gọn rồi để tủ lạnh hoặc máy hấp nóng, chứ không phải được ngâm trong nước sẵn khi khách đến mới vớt lên.
Khi khăn được mang ra, thực khách thường dùng ngón tay ấn nhẹ để cảm nhận nhiệt độ và độ ẩm, rồi có thể chờ một lúc cho khăn bớt nóng, bớt lạnh hoặc yêu cầu quán đổi khăn khác. Đối với khăn vải tái sử dụng, bạn nên ngửi mùi của khăn để ít nhất có thể nhận biết nó đã được giặt hay chưa.
Sau khi sử dụng bạn nên gấp gọn để lại trên đĩa hoặc trên bàn. Tại các nhà hàng cao cấp, nhân viên sẽ dọn khăn cũ khi khách gần dùng xong bữa, và cung cấp một oshibori mới sau bữa ăn.
Để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe, hiện nhiều nhà hàng ở Nhật dùng máy cuộn khăn tự động, thuê dịch vụ giặt là, khử trùng, đóng gói khăn vải, hoặc mua khăn bằng vải không dệt sử dụng một lần. Đôi khi người Nhật tự mang khăn ướt đựng trong hộp với nhiều kiểu dáng, màu sắc.
Hiện nay, oshibori được phục vụ trong mọi nhà hàng, quán rượu, sân bay, tàu Shinkansen và các chuyến tàu đường sắt khắp đất nước mặt trời mọc. Nhiều hãng hàng không quốc tế thường phục vụ oshibori cho hành khách hạng nhất và hạng thương gia. Ngoài việc ăn uống, một dạng khăn oshibori cũng được sử dụng trong tiệm cắt tóc, spa để giữ ẩm cho da giúp cạo râu tóc, làm đẹp dễ dàng hơn.
Tại Nhật Bản, 29/10 được coi là ngày của oshibori (National Oshibori Cooperative Association Enacted) từ năm 2004.
Ở Việt Nam, thực khách có thể thấy oshibori ở hầu hết các địa chỉ ẩm thực Nhật Bản. Nếu muốn trải nghiệm văn hóa ẩm thực xứ phù tang một cách đặc trưng hơn, bạn hãy đến "little Japan" ở TP HCM tại đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Ngô Văn Năm (quận 1), đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh); Hà Nội có phố Kim Mã, Núi Trúc, Linh Lang, Đào Tấn (quận Ba Đình) là nơi tập trung nhiều nhà hàng Nhật.