Con hẻm số 15B đường Lê Thánh Tôn (quận 1) 20 năm trước chỉ có vài quán ăn Nhật Bản. Đối diện hẻm này là những khu căn hộ cao cấp nơi các chuyên gia và doanh nhân Nhật Bản sinh sống. Theo thời gian, những hàng quán quanh đây mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ người Nhật xa xứ, hình thành một "Little Japan" (Nhật Bản thu nhỏ) ngay trung tâm thành phố.
Sau này, TP HCM còn có một cộng đồng người Nhật khác nhỏ hơn sinh sống ở đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh. Từ khu này đến các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai gần hơn ở trung tâm.
Ngày nay, "Little Japan" đã mở rộng thành một khu phố gồm 300 m đường Lê Thánh Tôn, nối với đường Thái Văn Lung, Thi Sách, Ngô Văn Năm. Hàng quán ken sát mặt đường lớn, len lỏi trong ngóc ngách. "Đặc sản" của phố Nhật là ẩm thực xứ sở hoa anh đào, quán rượu, cà phê, khách sạn, cửa hàng tiện lợi, spa, tiệm massage. Những biển hiệu viết bằng chữ tượng hình, đèn lồng đỏ, cánh cửa gỗ khiến du khách đang lạc vào nơi nào đó giữa Nhật Bản.
Nếu như phố Tây, phố Mã Lai sôi động với những hàng quán mở rộng cửa, phát nhạc ồn ã, thậm chí khách ngồi tràn ra lòng đường, phố Nhật ngược lại. Không có cảnh đông đúc, khách đi qua chỉ nghe thấy tiếng bước chân, tiếng nói chuyện, tiếng mời chào. Những âm thanh xập xình, tiếng nấu nướng, ăn uống, cười nói sẽ nằm sau cánh cửa che rèm, đóng im lìm.
Hầu hết những hàng quán ở "Little Japan" đều do người Nhật mở. Chủ quán có thể là người định cư ở Việt Nam, một số vẫn sinh sống tại Nhật và giao cho người Việt quản lý kinh doanh.
"Ông chủ là đầu bếp người Nhật sang đây mở nhà hàng, dạy các anh em ở đây nấu, chứ chẳng mấy ai được đi Nhật học chuyên nghiệp", Diệp Nhật Huy (21 tuổi), đầu bếp của một quán mì ramen trong hẻm 15B Lê Thánh Tôn, chia sẻ.
Không gian hàng quán tại "Little Japan" mang phong cách đơn giản, ấm cúng, đậm nét văn hóa xứ phù tang, chứ không quy mô và bài trí sang trọng như một số chuỗi nhà hàng Nhật do người Việt đầu tư trong thành phố.
Bước vào một quán mì ramen vào giờ ăn tối, thực khách có thể nghe thấy những tiếng húp mì xì xụp át cả tiếng xèo xèo từ bếp sau quầy bar. Nổi tiếng với những quy chuẩn lịch sự trên bàn ăn nhưng khi ăn, người Nhật lại có văn hóa húp mì khác hẳn. Họ cho rằng phát ra tiếng động khi ăn là hành động thể hiện cảm giác ngon miệng của thực khách. "Từ bé tôi thấy gia đình ăn như vậy nên thành thói quen. Khi gắp mì nóng thì thổi nhẹ, nhưng cho vào miệng thì phát ra tiếng", một thực khách Nhật vui vẻ trả lời sau khi dùng xong tô mì.
Những người Nhật làm việc lâu dài ở TP HCM thường tập trung sống quanh "Little Japan". Đa số thuê nhà bình dân, và chuộng căn hộ dịch vụ trong các khách sạn hoặc chung cư. Phòng khách sạn như một căn hộ mini, đầy đủ tiện nghi như quầy bếp, tủ lạnh... giá từ khoảng 500.000 đồng một đêm.
Hàng quán trong phố Nhật mở cửa đón khách theo khung giờ nhất định dựa trên nhịp sinh hoạt của cư dân. Theo một lễ tân khách sạn trong hẻm 6C2 đường Thái Văn Lung, người Nhật thường thức giấc đi làm từ khoảng 6h, xe công ty đưa tới Đồng Nai, Bình Dương. Khoảng 19h - 20h, họ về lại nhà, đi ăn uống tới 22h khuya mới trở về phòng. Đối với người làm trong trung tâm thành phố, họ chỉ ghé vào giờ ăn trưa. Cuối tuần, họ hay tổ chức hẹn hò bạn bè tại quán rượu.
"Người Nhật sống ở Việt Nam thường đi ăn ở mấy tiệm quanh đây. Họ đi làm từ sáng tới tối, mặc nguyên đồ sơ mi vào ăn xong mới về nghỉ", nhân viên một quán ăn cho biết.
Đến với góc Nhật Bản giữa Sài Gòn, du khách sẽ có trải nghiệm khác nhau tùy thời giờ. Ban ngày, khu phố im ắng là nơi tham quan, chụp ảnh quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Các quán ăn mở buổi trưa thường từ 11h đến 14h. "Little Japan" chỉ bắt đầu nhộn nhịp từ 17h, với những tiếng "Irasshaimase" (nghĩa là "Kính chào quý khách!" liên tục vang lên trong hẻm nhỏ. Hàng quán thường mở đến 22h, các quán bar có thể hoạt động đến 1h sáng.
Ngày nay, "Little Japan" còn có thêm các địa chỉ ẩm thực nước khác như Việt, Hàn, Trung Quốc, Thái Lan, Âu Mỹ... làm đa dạng hương vị bữa ăn cho người Nhật đang sống ở đây và du khách.
Tâm Linh