Theo ThS.BS Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, cây lá dong là thực vật thân cỏ cao khoảng 1 m, lá to hình trứng thuôn dài đầu nhọn, nhẵn, dài 35 cm, rộng 12 cm, cuống dài 22 cm, trong đó 2-3 cm phía trên nhẵn.
Cụm hoa hình đầu, không cuống, nằm trong bẹ của lá, đường kính 4-5 cm gồm 4-5 hoa. Cánh hoa màu trắng hay đỏ, quả hình trứng dài 11 mm, hạt thuôn dài với áo hạt gồm 2 phiến.
Lá dong có thể thu hái quanh năm nhưng thời điểm thu hái nhiều nhất là gần Tết nguyên đán (tháng 11-12 âm lịch) nhằm mục đích gói bánh chưng, bánh tét. Khi sử dụng làm thuốc, lá dong được dùng ở dạng tươi.
Lá dong có vị ngọt nhạt, mùi thơm nhẹ, tính hơi hàn. Dược liệu quy vào kinh Can. Loại cây này có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, mát gan, chỉ huyết.
Một số bài thuốc từ lá dong
- Dùng làm thuốc giải rượu, chữa say rượu: Lá dong tươi 100-200 g giã nát, vắt lấy nước uống trực tiếp.
- Lá dong dùng thanh nhiệt giải độc: Lá dong tươi 100-200 g nấu 1 lít nước, uống trong ngày.
- Lá dong chữa rắn cắn: Lá dong tươi lượng vừa đủ, giã nát, lấy bã đắp vết rắn cắn. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.
- Lá dong chữa vết thương: Lá dong 100 g, giã nát, băng lên vết thương giúp cầm máu.
Lưu ý khi dùng lá dong chữa bệnh
Cây lá dong có hình dạng gần giống với cây dong ta, là loại cây có củ phát triển và được dùng như nguyên liệu để làm miến.
Bên cạnh đó, phần lớn bài thuốc từ lá dong chỉ được lưu truyền trong dân gian nên tác dụng và mức độ cải thiện bệnh chưa được xác định. Do đó, với các trường hợp bệnh sử dụng lá dong chữa bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn trước khi áp dụng để tránh hậu quả đáng tiếc.
Mỹ Ý