Đọc bài viết "Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội sẽ hạn chế chứ không cấm xe máy", tôi xin chia sẻ một số lưu ý về giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam, mà trước đây và hiện nay nhiều người vẫn hay hiểu lầm.
Thứ nhất, hệ thống xe buýt tại Hà Nội và TP HCM không hề thua kém hệ thống xe buýt ở các đô thị hiện đại, nếu chỉ xét về số các tuyến xe, thời gian chờ xe, quãng đường trung bình phải đi bộ, số lần trung bình phải đổi tuyến, mức độ bao phủ nội thành. Chỉ có chất lượng xe hơi kém chút xíu và chạy ẩu, dừng ẩu, thỉnh thoảng có cung cách phục vụ không thân thiện.
Để khách quan, bạn nào có dịp hay khả năng, vui lòng thử trải nghiệm xe buýt tại một số đô thị hiện đại như Singapore, Bangkok, Bắc Kinh, Moscow, Seoul... sau đó so sánh với hệ thống xe buýt tại Hà Nội và TP HCM.
Như vừa nói trên, ở Hà Nội hay TP HCM có thể đi xe buýt đến hầu hết các điểm trong thành phố. Nhưng dân ta không đi vì lười đi bộ, và đi xe máy linh động hơn. Mà sự thật là như vậy, xe máy linh động và rẻ hơn rất nhiều.
(Xem thêm: Vì sao cầu vượt Tân Sơn Nhất thông thoáng mà sân bay vẫn kẹt xe?)
Về chuyện lười đi bộ, ở nhiều đô thị việc đi bộ 4-5km một ngày trong quá trình đổi tuyến giao thông là hết sức bình thường. Nhưng ở Việt Nam, việc đó quá nặng nề khi dân ta có xe máy. Thật khó nói đây là tốt hay xấu vì bản chất của phương tiện giao thông là giúp con người không phải đi bộ.
Thứ hai, hãy thành thật nhìn nhận sự việc một cách khách quan: xe máy quá tiện và rẻ. Không phải ngẫu nhiên mà dân ta hiện đang sử dụng nhiều xe máy. Người Việt không ngớ ngẩn đâu. Tôi nghĩ họ đang chọn sử dụng phương pháp giao thông tối ưu trong điều kiện thực tế về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng.
Đối với tầng lớp phổ thông, việc đi lại trong thành phố Việt Nam tiện lợi hơn so với tại nhiều đô thị lớn như Seoul, Moscow, Singapore... và rẻ hơn nhiều khiến người dân từ nghèo đến trung bình thỏa sức đi dạo, đi thăm bạn, đi mọi việc cá nhân một cách thoải mái.
Ở nhiều nước hiện đại, nếu bạn là tầng lớp phổ thông và không có xe hơi, thì chuyện di chuyển bằng phương tiện giao thông thường xuyên cho các nhu cầu cá nhân (ví dụ thường xuyên ra câu lạc bộ thể dục, đi gặp bạn nhậu, đi ra quán cà phê yêu thích...) là quá xa xỉ.
(Xem thêm: Giải pháp lâu dài chống ùn tắc và quá tải)
Và người dân phổ thông chỉ đủ chi phí và thời gian cho phương tiện giao thông công cộng cho các chiều đi và về giữa nhà và cơ quan mỗi ngày thôi. Rất tù túng chân. Chắc các bạn cũng biết chuyện nhiều người Việt lớn tuổi nhập cư sang Mỹ, không biết đi xe hơi, suốt ngày ngồi một chỗ, tù túng và rồ người chịu không được nên phải về lại Việt Nam.
Ở đó cũng có giao thông công cộng, nhưng nếu so với xe máy Việt Nam, thì tôi dám cá rằng sẽ rất nhiều người tiếp tục chọn xe máy. Và tôi cảm thấy hạnh phúc với sự linh động và tiện lợi giao thông xe máy ở Việt Nam.
Tôi nghĩ, điều đáng tiếc nhất liên quan đến xe máy hiện nay là nước ta còn nghèo (lương trung bình công nhân khoảng 4 đến 4,5 triệu mỗi tháng) đường xá nhỏ hẹp, quy hoạch cho xe máy nên phần nhiều dân số chưa nghĩ đến cảm giác thoải mái lái ôtô.
Thứ ba, kể cả khi có hệ thống giao thông công cộng phát triển như các nước hiện đại ngày nay, thì nhu cầu giao thông cá nhân vẫn không giảm. Mức sống càng cao, con người càng tăng nhu cầu giao thông cá nhân. Vì vậy, từ một góc độ nhất định, cấm quá mức giao thông cá nhân là đi ngược lại với xu hướng và nhu cầu của đà phát triển xã hội và kinh tế.
(Xem thêm: Hạn chế ùn tắc không chỉ bằng việc thu phí)
Cách hợp lý và hòa hợp là để người dân tự nhiên thay xe máy bằng ôtô cá nhân, như cách người dân đã tự nguyện thay thế xe đạp bằng xe máy, khi phát triển đủ các điều kiện về kinh tế và cơ sở hạ tầng.
Vì vậy, tôi nghĩ thay vì cứ cấm xe máy, thì chúng ta nên quay về tập trung với nhiệm vụ chính cơ bản hơn như sau: khi xây các khu dân cư mới sẽ quy hoạch đường xá rộng rãi cho ôtô ngay từ đầu. Mở rộng các tuyến đường, nên xây các tuyến đường vành đai rộng chuẩn ôtô khi nhiều khu dân cư mới nổi lên. Phát triển kinh tế và tự làm ôtô để đưa giá ôtô phổ thông về mức rẻ, đó là cách cơ bản, phù hợp xu thế.
Ngoài ra, liên quan giao thông đường bộ, tôi nghĩ nên tập trung vào mở rộng quốc lộ 1A hơn là loay hoay cấm xe máy. Có thể xây mới quốc lộ 1A hoặc làm từng đoạn. Mở rộng quốc lộ 1A thì nước ta sẽ có một con đường vĩnh cửu cho hiện tại và các thế hệ tương lai, có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng khi cần thiết có thể nhanh chóng sửa chữa, đưa vào kết nối các tỉnh thành.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Xây một lần con đường xương sống cho đủ tầm cỡ để sử dụng mãi và là biểu tượng thực tế của sự kết nối Bắc-Nam. Công trình còn biến các nông thôn dọc Bắc-Nam thành đô thị mới hay nông thôn hiện đại. Có thể quy hoạch kết hợp với dự án bất động sản hình thành các khu dân cư mới, trải dài hai bên siêu đại lộ.
Sau đó dùng chính những khoảng đất nền nhà phố hay đất nền chung cư của các khu dân cư mới dọc theo siêu đại lộ này, để làm chi phí đền bù giải tỏa hay các chi phí khác. Nếu đoạn nào phức tạp quá thì không mở rộng, mà xây mới hoàn toàn đường khác, để phù hợp tính chất siêu đại lộ.
>> Xem thêm: TP HCM thu phí ôtô vào trung tâm, kẹt xe có giảm?