Trong việc hoạch định chính sách cho giao thông, chúng ta đang vấp phải rào cản từ chính tư duy của cấp quản lý.
Sao họ không đặt ra những đề án có mục tiêu nghiêm chỉnh, rõ ràng rồi cho đấu thầu để nghiên cứu công khai, để tận dụng chất xám của xã hội? Thiếu gì những người giỏi giang đồng thời tâm huyết với đất nước, với xã hội mà không được góp công, góp sức.
Nếu việc của cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở chỗ làm sao để có kinh phí và làm cách nào để sử dụng hết số kinh phí ấy một cách hợp lý thì đúng là "hết đường nói". Nhưng thực tế cho thấy mọi tư duy, ý đồ của nhà quản lý, hoạch định chính sách của chúng ta đang dừng lại ở đúng vị trí ấy thì phải.
Mọi giải pháp cho đến lúc này đều nhằm mục đích trấn an người nộp phí và coi việc nộp phí là một biện pháp không thể không làm.
Đường hẹp, người đông, ô tô nhiều, xe máy nhiều, cửa hàng nhiều, ý thức kém,… những điều đó đương nhiên ai cũng biết và rõ ràng là không ai có thể thay đổi được một sớm một chiều.
Đối tượng tham gia giao thông, nguyên nhân chính của ùn tắc, kẹt xe chính là chúng ta đấy thì đã có ai nghiên cứu chưa? Không một ai trong chúng ta muốn đâm đầu vào những tắc nghẽn, không một ai rỗi hơi, phung phí tiền bạc, xăng xe, thời gian, sức khỏe vào việc chen lấn, phờ phạc trên đường phố, không một ai là không muốn thành phố sạch đẹp, thông thoáng, hiền hòa.
Nhưng chúng ta vẫn phải ra đường hàng ngày, chịu sự khổ sở hàng ngày bởi cuộc mưu sinh của mỗi người và buộc phải chấp nhận có mặt trong đó. Nghiêm túc mà nói thì chưa thấy có thống kê khoa học nào xem xét đến việc chính xác tại một điểm kẹt xe có bao nhiêu % những thành phần người mắc kẹt trong đó?
Họ đang vội vã đi đâu, làm gì? Vì sao lại cùng có mặt vào thời điểm đó? Bao nhiêu % công chức? Bao nhiêu % HS, SV? Bao nhiêu % là tiểu thương? Bao nhiêu dân thường? Bao nhiêu doanh nhân?
Chắc chắn không phải ngẫu nhiên cùng lúc ấy họ lại chen nhau ở đây. Nếu biết tường tận, chính xác thì tôi nghĩ là người quản lý sẽ có giải pháp khả thi để chắc chắn giảm được sự có mặt của một vài thành phần trong đó với quyền năng của mình.
Ví dụ như thay đổi đích đến của họ hoặc hành trình của họ bằng những điều chỉnh mang tính vĩ mô chẳng hạn. Có thể lắm chứ!
Nếu người quản lý, người làm và thực thi chính sách chỉ biết loay hoay với những giải pháp về phí, thuế còn chúng ta cũng chỉ biết kêu theo kiểu của chúng ta thì mọi việc sẽ đi đến đâu? Văn minh đô thị không lẽ lại là món đặc sản không bao giờ thế hệ chúng ta được hưởng ư?.
Nga My