“Em rớt đại học rồi, em chỉ muốn chết thôi.” - Đó có lẽ là câu nói mà tôi nhận được khá nhiều trong những năm gần đây, mỗi khi hoa phượng đỏ, hè về, mùa thi đến.
Ngày còn bé, khi đó ba tôi còn sống, ông hay định hướng cho tôi rằng lớp 10 con phải thi đỗ vào chuyên, lớp 12 phải học những gì để ôn thi đại học và phải thi đỗ vào trường nào, ra trường thì xin việc ở đâu, đi làm bao nhiêu năm thì phải lập gia đình.
Từ lớp một, tôi năm nào cũng phải là học sinh giỏi, cũng đứng lên nhận bằng khen học sinh ưu tú mà cả trường mỗi năm chỉ có 2 suất (mặc dù tôi không biết mình ưu tú ở đâu).
Tôi cắm mặt vào học và học, những ngày học thêm đến 9, 10 giờ đêm mới đạp xe 5 km về nhà trên con đường vừa tối vừa vắng, cuộc thi học sinh giỏi cấp nào tôi cũng có mặt, học phụ đạo đầy đủ chưa bỏ tiết nào. Vì tôi ý thức được, thành tích của mình chính là danh dự của ba mẹ.
Thế rồi ba tôi đi, bỏ lại tôi với những định hướng thẳng tăm tắp, thẳng như người ta đặt thước vào và gạch một đường.
Cho đến tận thời điểm đó, mùa hè lớp 8 lên lớp 9, tôi đau khổ rất nhiều khi biết mình phải chuyển sang học hệ bổ túc văn hoá, 2 năm 3 lớp. Ở nơi mà người ta đánh giá con người qua tên trường, thì thử hỏi cảm nhận của tôi là ê chề thế nào khi chuyển về một trường nghe nhắc đến tên là người ta đã đánh đồng không tốt: Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Có lẽ thời điểm đó, tôi còn quá nông cạn, tôi bị tư tưởng thành tích và phông mác nhào nặn quá lâu nên tôi bất giác cảm thấy xấu hổ khi có ai hỏi tôi học trường nào. Tôi thậm chí đã làm một việc đáng xấu hổ hơn là nói dối, tôi nói mình học ở một trường trung học phổ thông cũng khá có tiếng ở trong quận, mặc dù sự thật đi học ở đấy thì ai sẽ đi làm kiếm tiền cho tôi? Con người luôn chết vì sĩ diện các bạn ạ.
Thế rồi khi phải lao ra xã hội để kiếm tiền, lao ra đời giành giật miếng ăn, cũng biết học người đời dăm câu dối trá lọc lừa nhau, để sinh tồn. Tôi chợt nhận ra rằng, ba tôi ngày xưa chỉ dạy cho tôi làm thế nào để thi vào trường chuyên, làm thế nào để thi đỗ đại học, chứ chưa từng dạy tôi làm thế nào để tồn tại với đời, làm thế nào để chống chọi với những khắc nghiệt ở cái nơi mà hở ra tí là người ta giết nhau, dẫm đạp lên nhau để mà sống.
Vài năm trôi qua, may mắn làm ăn có chút vốn liếng, tôi cũng đến tuổi vào đại học. Cảm giác sĩ diện xưa cũ lại ập đến, tôi lại sợ người ta đánh giá mình dù có tí tiền nhưng cũng chỉ là con buôn, vô học.
Tôi lao vào tìm ngành để học, tôi quyết định học tài chính ngân hàng, chẳng phải vì tôi thích hay yêu mến gì ngành đấy, tôi bị mất căn bản Toán vì những năm học bổ túc văn hoá mải đi kiếm tiền nên ngày học ngày nghỉ, nhưng tôi không ý thức được rằng mình phải học ngành mình thích. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, ngành đó thời bấy giờ là oai, cứ học ngành đó để ai hỏi tới lại có phông mác học hành sáng loà mà loè người ta.
Tôi đuối khi hết năm nhất bắt đầu vào chuyên ngành. Hàm số nó biết tôi chứ tôi không biết nó. Chán nản, tôi buông xuôi. Bởi vì ngay từ đầu tôi đã chẳng thích thú gì ngành này nên khi gặp khó khăn, áp lực, tôi không có động lực để tiếp tục.
Lúc này việc công ty cũng bắt đầu nhiều lên, mở rộng làm ăn ra nước ngoài, tôi thì quá ngu dốt, kiến thức quản trị thì không có, nhân sự không quản được, tài chính thất thoát, chiến lược thì chả đâu vào đâu.
Tôi cảm thấy mình cần phải học cái gì áp dụng được ngay vào cái mình đang làm, thế là tôi cắp cặp đi học quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính doanh nghiệp - những khoá ngắn hạn kéo dài dưới nửa năm.
Năm 2012, tôi trở lại với giấc mơ đại học. Lúc này tôi ý thức rõ ràng hơn, học là cho mình, có phông mác sáng loà đến đâu thì loè người ta được trong tích tắc chứ chẳng loè được cả đời, mà đời ai người ấy sống, có ai chịu trách nhiệm được cho cuộc đời mình đâu ngoài chính bản thân mình?
Ước mơ thuở nhỏ của tôi là trở thành một kiểm sát viên nhân dân, một nữ chiến sĩ công an hoặc là một luật sư. Tất cả đều có liên quan đến ngành luật và tư pháp. Tôi quyết định học Luật, nhưng cũng chẳng thể giỏi giang như người ta để thi thố gì vào đại học Luật chính quy, tôi học hệ tại chức.
Người ta bảo học tại chức chỉ cốt có tấm bằng cho dễ xin việc, tôi tự làm thuê cho chính mình nên không cần xin việc nữa, tôi cần kiến thức. Ngoài giáo trình ở trường, tôi còn xin thêm tài liệu ở các văn phòng luật để đọc, đọc hết tôi lại đi mua thêm sách tư pháp về nghiên cứu, lên mạng tìm thêm những tài liệu tại các thư viện trực tuyến ở các trường đại học luật ở nước ngoài. Và tôi tin rằng, tại chức hay chính quy, đến một lúc nào đó cũng chỉ là tên gọi. Kiến thức mới là quan trọng.
Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp cử nhân Luật kinh tế hệ tại chức được gần 2 năm, tiếp tục học lên cao học. Một vài trường chính quy trong và ngoài nước ngỏ ý sẽ cấp học bổng học cao học cho một cử nhân tại chức như tôi. Tôi biết, họ đánh giá tôi qua sự nỗ lực bền bỉ, ý chí và tinh thần cầu tiến, họ muốn tạo điều kiện cho tôi thực hiện tiếp ước mơ học hành của mình. Chứ xét về bảng điểm, học lực, tôi có lẽ là quá kém cỏi so với người khác.
Con đường học hành của tôi vòng vèo quanh co hơn nhiều người vì tôi từng không có điều kiện. Gần chục năm trước đây nhiều người có thể chửi tôi ít học, tôi cũng lặng im vì đôi khi họ nói đúng, mình ít học thật. Nhưng không có nghĩa là cả cuộc đời mình sẽ mãi ít học.
Ở xã hội ngày một hội nhập như hiện nay, đại học có lẽ không còn là con đường tốt nhất để vào đời nhưng nó luôn là con đường an toàn nhất. Bạn sẽ chẳng biết được năng lực của bạn đến đâu nếu như cứ đứng mãi trong vùng an toàn mà không dám bước ra khỏi đó dù chỉ một lần. Thi trượt thì đã sao? Nên nhớ, trượt đại học thì còn có thể thi lại được vào năm sau, năm sau nữa, còn trượt ngã ở trường đời nếu không có kỹ năng thì khó đứng dậy lắm.
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, hãy tỉnh táo hiểu rằng, nghề nào cũng có sự thoái trào, hãy chọn nghề mình thích chứ đừng chọn nghề đó chỉ vì nó hot, nói tên trường ra nó sang chảnh. Mà nếu có lỡ chưa may mắn thi trượt, thì cũng chả sao cả. Ai cũng có cả đời để mà học. Năm nay không được thì năm sau. Quan trọng là đừng bỏ phí thời gian của cuộc đời, chưa học được đại học thì ra học trường đời, kiến thức thì có ở khắp nơi, đâu riêng gì giảng đường mới có.
Điều đáng sợ nhất không phải là cái chết, mà đáng sợ nhất chính là không biết mình sống để làm gì.
>> Xem thêm: Đại học sẽ đóng cửa nếu xem sinh viên là khách hàng'
Video được xem nhiều: Dân vây bắt hổ mang chúa 7 kg ở Yên Bái
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.