Sau khi đọc bài viết: 'Người Việt lười đi bộ là nguyên nhân gây kẹt xe', tôi xin chia sẻ quan điểm của mình khi thấy nhiều người nói rằng họ không thể đi bộ vì trời nắng nóng, vỉa hè bị lấn chiếm và ô nhiễm môi trường...
Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Hà Nội và miền Bắc thuộc kiểu cận nhiệt CWA, Sài Gòn và miền Nam là Savan nhiệt đới. Vậy đây có phải là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều người Việt không thể đi bộ?
Hà Nội nóng nhất là tháng 6, 7 và 8 (có thể kéo dài sang đầu mùa thu ). Nhiệt độ cao nhất ngày trung bình các tháng này là 29,2-32 ; 29,5-32,9; 28,8-31,9. Vào thời điểm này, ở Hương Cảng (Hồng Kông) là 28-32; 28,8-31,4; 28,6-31,1, tại thành phố Nam Ninh (Trung Quôc là 27,8-32,2; 28,3-32,8; 28,1-32,9.
Ba thành phố này cùng kiểu khí hậu và chênh lệch không đáng kể nhiệt độ (Hồng Kông mát hơn chút do sát biển ). Miền Nam Trung Quốc cận nhiệt đới, còn miền Bắc Trung Quốc dù là khí hậu ôn đới nhưng là ôn đới sâu lục địa nên mùa hè thường xuyên trên 35 độ, thi thoảng đạt 40 độ. Gần đây nhất, Thượng Hải hứng chịu đợt nóng hơn 40 độ. Dù nhiệt độ cao nhưng Trung Quốc và Hong Kong lại là những nơi có người đi bộ nhiều nhất thế giới.
(Xem thêm: 'Người Việt lười đi bộ là nguyên nhân gây kẹt xe')
Đó là miền Bắc nơi tôi đang sống, còn miền Nam, các bạn có thể so với Thái Lan và Singapore. Nhiều bạn nêu gương đi bộ của Nhật Bản nhưng một số không phục vì tháng hè của họ ngắn hơn và nhiệt độ thấp so với hai tháng nóng nhất là tháng 7: 25-29,2 và tháng 8: 26,4- 0,8 ở Tokyo. Nhưng thi thoảng họ cũng có đợt nóng kéo dài trên 35 độ. Như vậy, ở đâu cũng có nắng nóng, chả riêng gì Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng, nguyên nhân này có lẽ sẽ mãi là vòng tròn quẩn quanh như đi xe công cộng, tiêu thụ hàng Việt - những chủ đề đang nổi hiện nay. Nếu đi xe công cộng nhiều, ắt hẳn nhà cung cấp dịch vụ sẽ có lãi để nâng cấp dịch vụ, nếu họ không nâng cấp chất lượng, bạn có quyền phản đối tẩy chay. Nhưng bạn không dùng nó bao giờ, thì chỉ nó mãi vẫn làng nhàng vì đâu có tiền mà nâng cấp.
Rồi bạn lấy đó làm nguyên nhân mình không đi xe công cộng phải không? Đi bộ là đi trên vỉa hè, nhiều người than đi trên vỉa hè đã chật thì chớ, lại còn để nhiều xe. Vậy xe này ai đi? Tức là bạn, mọi người xung quanh đi bộ thì chả có xe nào để trên vỉa hè cả.
(Xem thêm: 'Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bớt kẹt nếu bỏ một đoạn đường')
Ngoài ra, vỉa hè còn bị lấn chiếm bởi những người bán hàng rong, hoặc thậm chí là chính những nhà mặt đường. Nhưng nhiều bạn vẫn mua hàng của những người bán đó, ngồi uống trà đá vỉa hè, thậm chí còn coi đó là "nét đẹp". Vậy dọn vỉa hè kiểu gì đây? Chúng ta nên hợp tác với nhà nước trong các chiến dịch dành lại vỉa hè gần đây. Vì chính quyền lợi của mình.
Lười đi bộ vì ô nhiễm, ô nhiễm vì lười đi bộ. Đi đoạn ngắn cũng đi xe máy. Đường phố chật ních người, khí thải ngột ngạt, người người chen nhau, bóp còi inh ỏi... Chúng ta chẳng thể nào làm không khí tự nhiên sạch hơn, chỉ có cách là hạn chế xe cá nhân, đi bộ, đi xe công cộng để khắc phục tình trạng này.
Kết luận lại, chúng ta muốn thay đổi diện mạo đất nước thì chính chúng ta phải thay đổi đầu tiên. Nên hạn chế đi xe cá nhân, đi bộ nhiều hơn vừa đỡ ô nhiễm, tắc đường, lại tốt cho sức khỏe. Đồng thời chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, dọn dẹp vỉa hè...
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Và tôi cũng nêu ý kiến rằng, các bạn thay đổi chính mình đầu tiên, sau đó nếu nhà cung cấp dịch vụ công cộng không đáp ứng được cho bạn những gì đã bỏ ra, hãy đồng lòng lên tiếng yêu cầu thay đổi. Đừng im lặng mà phải cho họ biết rằng mình có nhu cầu sử dụng và muốn họ thay đổi. Chê bai mà không góp ý thì chẳng giải quyết được gì cả.
Cuối cùng, tôi rất mong mọi người bỏ qua hoàn cảnh hiện tại, cố gắng thay đổi để Việt Nam tốt đẹp hơn. Nếu có phản biện gì, hãy để lại bình luận.
>> Xem thêm: TP HCM thu phí ôtô vào trung tâm, kẹt xe có giảm?