Ý kiến của độc giả Lục Ngạn Quê Tôi trong bài viết Vải thiều Bắc Giang vào chính vụ
Tôi là người dân Lục Ngạn lớn lên cùng quả vải. Qua bài viết này, tôi xin giải đáp thắc mắc của một số độc giả về sự khác nhau của giá vải.
Thứ nhất, thương lái là người từ nơi khác tới. Hàng được xuất đi Trung Quốc là do thương lái người Trung Quốc thu mua. Vải được chuyển đi miền Nam do chính thương lái miền Nam chọn lựa. Vì bản thân họ có mối lái với hệ thống phân phối tại thị trường nơi đó, nên quyết định đem vải đi đâu đều do thương lái.
Thứ hai, giá vải đến tay người tiêu dùng thường cao gấp hai, ba, có khi là bốn lần giá bán của người nông dân. Sở dĩ vậy vì thương lái phải chi trả các khoản như: đóng hàng, bốc xếp, vận chuyển, cửa hàng thu mua, lợi nhuận của các bên phân phối. Chi phí này càng cao thì sẽ thiệt cho cả người nông dân và tiêu dùng.
Thứ ba, có rất nhiều loại vải khác nhau ở Lục Ngạn
Cách đây khoảng 10 năm về trước, hầu hết vải Lục Ngạn đều là vải thiều, khác với vải Thanh Hà chính gốc ở thời vụ sau tầm 10 ngày, quả nhỏ hơn nhưng ngọt sắc, vỏ mỏng, hạt nhỏ.
Hiện nay, vải có nhiều loại do nhu cầu thị trường, chủ yếu là tách thời gian chính vụ để có giá tốt hơn. Chúng ta có thể chia làm 3 loại:
Loại 1: Các loại vải u (u hồng, u trứng) loại này ăn chán nhất nhưng lại chín đầu tiên, sản lượng ít nên dễ bán.
Loại 2: Vải Thanh Hà (chỗ tôi ở gọi vậy, không biết có khác vải thiều Thanh Hà không). Loại này chín sớm hơn vải thiều Lục Ngạn khoảng 7 ngày, sau vải u.
Vải Thanh Hà cũng to hơn vải thiều Lục Ngạn, vỏ dày hơn, gai hơn, ăn không ngon bằng. Tuy nhiên, loại này lại không bị xấu mã, không thâm khi vận chuyển... vì thế thương lái Trung Quốc rất thích và chấp nhận mua với giá cao.
Vài năm gần đây, vải Thanh Hà có giá trung bình cao hơn vải thiều Lục Ngạn, dễ bán hơn, đồng thời, chỉ người Trung Quốc mới mua loại này. Còn với những người sành ăn, để làm quà và thưởng thức thì vải thiều Lục Ngạn là số một và ngon nhất.
Thứ tư là giá cả của các loại vải Lục Ngạn.
Một ví dụ là vào thời điểm gần giữa vụ năm ngoái, lúc giá vải vẫn cao do thương lái Trung Quốc còn thu mua đều đặn. Tại trung tâm Lục Ngạn, giá vải đỉnh ổn định ở mức 28.000 đồng/kg. Các loại vải theo cách người nông dân gọi gồm có.
- Vải loại một: Có giá dao động từ 23.000 đồng đến 28.000 đồng/kg. Đây được xem là loại tốt nhất, nó được xuất đi các thành phố miền Đông của Trung Quốc, dành cho người tiêu dùng giá cao.
- Vải loại hai: Có giá từ 18.000 đến 23.000 đồng/kg. Loại vải này thấp hơn, do không bán được cho người tiêu dùng có thu nhập cao, vì thế nó được xuất đi các tỉnh phía Tây Trung Quốc
- Vải miền Nam: Do chính các thương lái người miền Nam thu mua, có giá từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg. Nếu vải loại hai không được người Trung Quốc thu mua thì thương lái miền Nam sẽ lấy hết
Thương lái miền Nam chỉ trả giá tối đa một kg vải là 15.000 đồng, dù có đẹp hơn thì vẫn ở mức giá đó, không thể trả cao hơn được. Ví dụ, hàng loại hai được định giá 17.000 đồng/kg thì khi bán vào miền Nam chỉ còn 15.000 đồng là cao nhất. Người nông dân vốn rất khổ, nên ai trả giá cao thì họ sẽ bán.
- Vải sấy có giá từ 6.000 đến 12.000 đồng/kg. Nếu hàng tươi coi trọng mẫu mã (đỏ, đẹp) thì hàng sấy khô chỉ cần to là đủ.
- Hàng xe cóc: thấp nhất là 7.000/kg trở xuống. Sở dĩ nó có tên như thế này là do được các thương lái thu mua trực tiếp từ những xe tải nhỏ bên đường, xuất đi tiêu thụ ngay trong ngày. Các loại khác đóng thùng xốp, vẫn chuyển bằng container và có thùng đông lạnh phía sau. Loại này xuất đi Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Thứ năm, vải thiều được phân phối ở Hà Nội không phải là vải loại một, loại hai của Lục Ngạn vào chính vụ. Nó thường là hàng cóc của các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên (Bắc Giang), các tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên, Quảng Ninh...
Thứ sáu, tôi xin giải đáp với bạn đọc về chuyện mọi người muốn ăn vải ngon. Xin thưa, chúng tôi - những người trồng vải đều muốn người tiêu dùng Việt Nam được thưởng thức trái vải ngon nhất, tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào quy luật của thị trường.
Người dân phải làm lụng quanh năm vất vả, được giá đúng với sức lao động thì chúng tôi bán, chẳng lẽ lại bỏ giá đi một nửa? Giá tới tay người tiêu dùng quá cao do các khâu thu mua, vận chuyển, phân phối... đó là điều mà chúng tôi không phải là người quyết định.
Các bạn nói mình phải bỏ ra tận 60.000 đến 70.000 đồng để ăn được một kg vải ngon nhất, tôi đồng ý điều đấy, thế nhưng, không phải tất cả người tiêu dùng trên thị trường đều phải bỏ ra số tiền như vậy, bởi thương lái mới là người quyết định giá và sản lượng để họ có thể thu lợi nhuận cao nhất. Đây là thực tế đáng buồn và chưa đem lại hiệu quả cho xã hội.
Và thực tế, nếu các bạn muốn ăn vải ngon nhất, xin về quê tôi, tôi mời các bạn ăn miễn phí cộng thêm tặng kèm vài chục cân làm quà.
>> Xem thêm: Vải thiều: Nhà giàu Trung Quốc thèm, nhà nghèo Việt 'chê'
Vì sao nông dân Việt thích bán vải thiều cho thương lái Trung Quốc?
Bán 100 kg vải thiều cho Trung Quốc, người nông dân được 1,7 triệu, còn thương lái Việt chỉ trả gần 1,1 triệu. |
Chia sẻ bài viết của bạn về cuộc sống, xã hội tại đây.