Sau bài "Ép nhau thêm một chén rượu mới là quý nhau?" tôi cho rằng "văn hóa rượu bia" Việt Nam là vậy, muốn thay đổi nó thì chính mình phải thay đổi.
Mỗi người đều có thể làm được việc gì đó để thay đổi, đừng chờ người khác thay đổi giúp mình. Nếu bạn là sếp, hãy cấm rượu hoặc ra quy định về văn hóa uống rượu ở trong phạm vi bạn quản lý. Nếu bạn là nhân viên, hoặc khi vui với bạn bè, vui trong gia đình, hãy kiên quyết từ chối nếu bị ép rượu, nếu cần thiết thì nghỉ chơi luôn với những người ép rượu mình. Rượu ít là vui, rượu nhiều là tổn hại sức khỏe, là tai nạn, là cãi lộn đánh nhau, là đủ thứ xấu xa. Mình có thân thì mình phải giữ. Nhậu nhẹt bê tha, ép rượu... là một dạng tệ nạn. Kiên quyết xa lánh tệ nạn để giữ mình. Đơn giản vậy thôi.
Ở công ty tôi, tôi nghiêm cấm uống rượu trong giờ làm và tại sở làm. Những anh nhân viên kinh doanh khi ra ngoài tiếp khách phải uống rượu, bia thì phải báo trước, nếu uống vào buổi trưa tôi sẽ cho nghỉ luôn buổi chiều. Không cần đến công ty. Ai đến công ty chỉ cần có chút hơi men tôi sẽ mời về.
(Xem thêm: Cộng đồng 'vạch trần' lý do người Việt ngày càng uống nhiều bia)
Trong các lễ lạt của công ty tôi dẹp hẳn không phục vụ rượu. Dần dần mọi người cũng quen và rất nhiều nhân viên cảm ơn tôi về chuyện đó. Khi tất cả cùng không uống thì ai cũng nhận ra cái hay của nó, không cần tuyên truyền. Dần dà tôi loại hẳn những người thích nhậu ra khỏi công ty. Khi công ty hết các thành phần này thì tự khắc mọi người ít đi đàn đúm nhậu nhẹt hơn.
Nhân viên có rủ nhau đi liên hoan thì cũng về sớm và trong tình trạng tỉnh táo. Gia đình của nhân viên cũng cảm thấy rất thích văn hóa uống rượu như thế và nói cảm ơn tôi nhiều lần vì đã giúp người thân của họ sống lành mạnh. Tôi tin rằng nếu mỗi cơ quan, mỗi công ty, mỗi gia đình tự thay đổi thì chẳng mấy chốc văn hóa uống rượu văn minh sẽ lấn át hết những hủ tục quê mùa.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
YFool
>> Xem thêm: 'Đất nước nghèo vì đàn ông Việt ham nhậu'