Theo thống kê, trên cả nước có khoảng 17.000 ca nhập viện cấp cứu vì tai nạn trong 3 ngày Tết. Đa phần trong số đó là vì có hơi men trong người. Vậy chúng ta có nên biến ngày vui của mình thành ngày buồn cho chính bản thân mình và cho cả gia đình không?
Tôi thấy một số người cho rằng không uống là không quý nhau. Nhưng xin đừng áp đặt quan điểm đó lên những người khác. Tôi từng chứng kiến nhiều người mời bạn bè đến nhà chơi, vậy mà trong bữa ăn uống quá nhiều đến nỗi chưa xong bữa đã lăn ra ngủ để bạn bè về lúc nào cũng không biết mà tiễn, vậy bạn tôn trọng họ cỡ nào?
Có nhóm bạn lâu ngày gặp nhau, bảo là rất muốn tụ tập hàn huyên tâm sự, vậy mà lại kéo nhau ra quán bia, một không gian ồn ào náo nhiệt, vào đó rồi lại uống cho thật đã, ai cũng tranh nhau nói nhưng chẳng ai nghe được ai. Khi tiệc tàn, có người gục xuống bàn, người nôn oẹ, người loạng choạng dắt xe ra đường mà không biết có về được đến nhà không? Chưa nói nếu xảy ra tai nạn, ai là người gánh chịu hậu quả. Các ông bạn nhậu có đứng ra lo được nỗi khổ của vợ con người ta phải hứng chịu không?
Thực sự, khi bạn bè mời đi nhậu, cái tôi thích nhất là họ để mình được lựa chọn, tôi không uống được bia rượu không phải vì tôi không có tiền mà đơn giản là tôi không thích. Trừ những chai rượu ngoại, rượu vang đắt tiền thì đa phần rượu ngâm thuốc hay ngâm gì đó như mọi người quảng cáo hoặc bia hơi. Thậm chí là bia lon cũng không phải là thứ đắt tiền, vậy thì đừng nghĩ là mời nhau cốc bia, ly rượu là quý nhau.
Bản thân tôi đã từng làm việc trong ngành ẩm thực rất lâu, là người phục vụ hàng trăm cái tiệc lớn nhỏ của các đại sứ cũng như bạn bè nước ngoài. Người ta ăn uống không như mình. Họ mời ai đến họ chú trọng từ khi đón tiếp, chỉn chu trong từng món ăn và thức uống hợp lý. Họ nói chuyện giao lưu trong không gian thân thiện và họ trân trọng tiễn khách ra về.
Đành rằng những bữa tiệc cùng bạn bè, anh em cũng có đặc thù khác với các bữa tiệc sang trọng. Tuy nhiên, kiểu văn hoá theo kiểu em phải uống với anh một ly, chú phải "sầu riêng" với cháu một ly hay "đồng khởi" mới vui thì thực sự không nên. Bởi sự tôn trọng của theo cách bạn nghĩ nhiều khi lại gây ra sự khó chịu cho chính người được mời chứ không phải là họ thích đâu. Chẳng qua vì lịch sự mà họ không từ chối đó thôi.
Nhiều bữa tiệc tôi chỉ muốn ăn một miếng gì đó cho nên hồn nhưng chỉ thấy họ gọi toàn bia, rượu, còn đồ ăn thì chẳng có gì, vậy mà họ cứ bảo quý anh lắm, quý chú lắm mới mời nhau đi. Rốt cuộc sau bữa nhậu bụng thì đói meo, đầu thì chuếnh choáng, cảm giác chỉ muốn lao về nhà làm gói mỳ tôm. Tôi tin chắc rất nhiều người cũng có cảm giác như tôi.
Sau cuộc nhậu, họ đọng lại những gì? Chỉ là sự mệt mỏi, đau đầu, trống rỗng. Và nếu không may sứt đầu, mẻ trán vì tai nạn. Thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa, liệu những người bạn nhậu có mảy may có được một lời thăm hỏi.
Vậy nên, dù ngày tết hay bất kỳ ngày vui gì, hãy để cho mọi người thoải mái theo đúng với khả năng và quan điểm của họ. Một khi không muốn, xin đừng ép nhau làm gì cả, nhất là uống bia rượu.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.