Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về những thay đổi sau 100 ngày Donal Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Thường thì mỗi năm, Hội báo chí Nhà Trắng - những phóng viên đưa tin và bình phẩm về Nhà Trắng, sẽ tổ chức một buổi tiệc. Tổng thống sẽ có mặt và lên biểu diễn một tiết mục hài, với những lời đùa cợt về thành tích của bản thân, hay dè bỉu các nhân vật khác, hoặc là chọc cười mọi người về một vấn đề gì đấy.
Lần cuối cùng mà một tổng thống không tới dự buổi tiệc này là khi Reagan bị ám sát và còn đang nằm trên giường bệnh. Năm 2012, Obama đã thản nhiên tới buổi tiệc này và trêu đùa như bình thường. Hôm sau ông chỉ huy chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden.
Trump thì tất nhiên là không có mặt. Ông ở Pennsylvania và phát biểu trong tiếng hò reo của những người ủng hộ. Buổi tiệc này năm nay trùng với ngày Trump lên làm tổng thống được 100 ngày, cái mốc quan trọng mà người Mỹ thường dùng để đo những thành tựu bước đầu. Có lẽ Trump muốn kỷ niệm 100 ngày nắm quyền bằng cách gần gũi với những người ủng hộ. Những người chỉ trích thì Trump bỏ mặc không buồn ngó tới.
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Ông Trump đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình phản đối lớn chưa từng có từ ngày lên nắm quyền. Ngay sau ngày nhậm chức là cuộc biểu tình với 3 triệu người tham gia trên khắp nước Mỹ, ông phản pháo bằng cách đặt câu hỏi là vì sao những người này không đi bầu mà giờ lại la ó. Biết đâu 3 triệu người này đã bầu cho bà Hillary, nhưng phiếu bầu của họ đã bị các phiếu đại cử tri tước mất.
Những người ủng hộ Donald Trump chỉ mong chờ một cuộc sống khá hơn, điều mà nước Mỹ ít phải gặp trong 100 năm gần đây. Từ sau cuộc đại khủng hoảng, kinh tế Mỹ khấm khá hơn hẳn và đạt đến vị trí cường quốc số một. Cái ý tưởng rằng sẽ có một số cử tri Mỹ sẵn sàng đi bầu cho một người chẳng có chút kinh nghiệm chính trị, nhưng sẵn sàng hứa hẹn những lợi ích kinh tế bằng những luận điệu gây hấn thật đáng sợ.
Vậy mà giờ đây nhiều người Mỹ đang sống trong cơn sợ hãi đó. Với những người phản đối Trump thì cơn sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng của Trump về hiến pháp Mỹ. Những người ít hiểu biết hiến pháp thì bĩu môi nói rằng ông ấy giàu thế lại có đội ngũ cố vấn hùng hậu thì làm gì có thể mắc những sai lầm như vậy.
Những người hiểu biết hiến pháp thì có ý kiến khác. Nguyên tắc tam quyền phân lập dường như là hoàn toàn xa lạ với Trump, khi ông lớn tiếng mắng mỏ thẩm phán đã chặn sắc lệnh nhập cư của ông.
Bản thân cái sắc lệnh ấy ngớ ngẩn chưa từng có. Cho dù là quan điểm về nhập cư có thế nào đi chăng nữa thì viết một cái sắc lệnh không vi hiến dường như là một việc quá sức với Trump.
(Xem thêm: Nhiều người Mỹ gạt nước mắt ngày Donald Trump nhậm chức Tổng thống)
Ai đã học luật đều biết rằng không thể viết ra một cái luật mà tôn giáo là "phép thử", kiểu như "các tôn giáo thiểu số thì được ưu tiên", và khi đưa ra một điều kiện như vậy thì phải có một lý do cực kỳ nghiêm trọng không thể nào khác nữa. Thủ đô Washington DC có tới vài trăm ngàn luật sư, vì sao Trump không chịu thuê một người viết ra một cái sắc lệnh cho hợp hiến thì ai cũng chịu.
Tuy vậy, cũng có những điều khiến nhiều người hài lòng. Các công việc công nhân kỹ thuật thấp có trở về Mỹ chưa thì chưa thấy cái thống kê nào đưa tin, nhưng trước mắt thì thị trường chứng khoán tăng điểm liên tiếp. Các công ty đầu tư đang hớn hở trước viễn cảnh nhiều ràng buộc pháp lý sẽ bị phá bỏ nên ai cũng xông vào mua bán cổ phiếu lia lịa, đẩy giá lên cao. Cái này cũng giống như thời của Bush con.
Những tay đầu tư, tức là những người giàu thì rất thích điều này. Còn những người trung lưu nghèo và những người mất việc trong các nhà máy có được hưởng lợi không? Họ thì tiền sinh sống hàng ngày cũng không có, nói gì tới đầu tư. Nhưng nhiều người vẫn mong rằng sẽ có một phép màu mang các công việc ấy trở lại. Những người này mà còn khổ thì họ sẽ lại càng đi tìm kiếm một ứng cử viên ác mồm, ác miệng nhưng làm gì cũng không xong, khiến cả nước phải khổ.
Những người không ủng hộ Trump cũng có những điều khiến họ hài lòng. Như là Trump đã chẳng thể đưa ra một cái dự luật y tế có thể khiến đảng Cộng Hoà đồng ý, đừng nói gì tới chuyện đảng Dân Chủ ủng hộ. Vậy là Obamacare vẫn yên vị.
Hay là Trump đã dịu giọng về vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và cũng là một phần lớn trong việc kiềm chế Triều Tiên, việc Trump chịu hợp tác với Trung Quốc là bước tiến khiến nhiều người thở phào.
(Xem thêm: Biểu tình chống Donald Trump: Nỗi sợ hãi được chứng thực)
Hay như việc Trump bắn hỏa tiễn vào Syria. Trên thực tế thì nó chả mang lợi ích gì, nhưng lại là một đòn chính trị tốt để thế giới thấy rằng Mỹ sẽ vẫn hành động khi cần thiết - cái mà những người ủng hộ Trump phản đối. Hay như việc Trump không còn đòi phá hiệp định thương mại NAFTA hay khối liên minh NATO.
Tóm lại, những người phản đối Trump cũng đã phần nào đạt được mong muốn khi Trump hoặc là thay đổi quan điểm hoặc là không thể làm nổi những điều ông hứa. Còn những người ủng hộ Trump thì sẽ còn ủng hộ cho tới khi họ không ủng hộ nữa. Từ nay tới đấy thì còn nhiều việc phải làm, những người phản đối Trump sẽ còn phải đi biểu tình và gây sức ép lên dân biểu của họ.
Đó là nước Mỹ, ai không vừa lòng thì sẽ phản đối và tìm cách để thay đổi mọi sự. Họ không ngồi yên cũng không trông mong tổng thống dang tay cứu vớt gì họ. Còn tổng thống thì cho dù ai phản đối thì cũng phải cố gắng mà làm việc của mình, chứ không ngồi đó bôi bác người khác, như là mắng mỏ thẩm phán, kết tội truyền thông, hay đổ lỗi cho dân nhập cư.
Nhưng Trump thì sẽ vẫn như vậy, còn người phản đối sẽ vẫn biểu tình. Tôi thì chỉ mong Trump biết kiềm chế và chịu khó suy nghĩ, dù làm gì thì đừng vì sự bốc đồng mà gây ra chiến tranh. Chỉ như vậy thôi là đã là đủ lắm rồi.
>> Xem thêm: Vì sao người Mỹ thở than khi tỷ phú Donald Trump tranh cử tổng thống
Khanh
Video được xem nhiều: Chàng trai bắt được ổ cá trăm con dưới gốc rạ
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.