Sau khi đọc bài "Tôi có 21 cây vàng khi về hưu nếu Bảo hiểm xã hội không bắt buộc" cùng những ý kiến đa chiều của bạn đọc, tôi thấy nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa cũng như lợi ích mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) mang đến.
Tôi xin đưa ra những dẫn chứng cụ thể như sau: Anh Thành Nhân xin được công việc với mức lương Net là 10 triệu đồng/tháng (lương Net là mức lương thực tế mà bạn sẽ được công ty trả hàng tháng sau khi đã trừ các khoản thuế phí khác). Như vậy tổng lương Gross của anh Thành Nhân là 11,102,631 đồng/tháng (lương Gross là tổng thu nhập của bạn bao gồm 10,5% các khoản phí BHXH, BHYT, BHTN...)
Trường hợp Thành Nhân không tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào theo quy định và phần dư ra của việc đóng bảo hiểm gửi tiết kiệm hàng tháng thì tôi tính được số tiền dôi ra khi không đóng bảo hiểm như sau:
Thuế thu nhập cá nhân: (11,102,631 – 9,000,000) x 5% = 105,132 đồng. Số tiền dôi ra khi không đóng bảo hiểm: 11,102,631 – 105,132 – 10,000,000 = 997,499 đồng.
Giả sử mức lương anh Thành Nhân không thay đổi trong 35 năm và luôn gửi tiết kiệm ngân hàng, số tiền dôi ra hàng tháng lũy kế với mức lãi suất một tháng là 6%/năm. Như vậy sau 35 năm, anh Thành Nhân có số tiền tiết kiện là:
(997,449/0.5%) × {[(1+0.5%)^420]-1} × (1+0.5%) = 1,428,181,242 đồng.
Như vậy sau 35 năm không đóng bảo hiểm, anh Thành Nhân tiết kiệm được hơn 1,4 tỷ đồng. Hàng tháng anh sử dụng tiền lãi của hơn 1,4 tỷ đồng đó là: 1,428,181,242 x 0.5% = 7,140,906 đồng.
Lãi suất ngân hàng tôi tính khá cao, đến 6%/năm cho một tháng. Nhiều người vẫn lầm hiểu các khoản bảo hiểm mà người sử dụng lao động đóng cho người lao động là phần của người lao động được hưởng. Nhưng thực tế khoản này được gọi là chi phí tiền lương do người sử dụng lao động phải tự bỏ ra và nó không thuộc về người lao động.
Trường hợp, anh Thành Nhân tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định thì sau 35 năm (theo quy định mới năm 2018), về hưu lúc 60 tuổi thì số lương hưu nhận hàng tháng là: 11,102,631 x 75% = 8,326,973 đồng. Số tiền lương hưu của anh Thành Nhân cao hơn số tiền lãi hàng tháng của tiền tiết kiệm gửi ngân hàng.
Ngoài ra hằng năm các cơ quan nhà nước vẫn luôn tính trượt giá trên lương hưu. Nếu tôi lấy phần chênh lệch giữa hai khoản tiền cũng như phần trượt giá hàng năm đem gửi tiết kiệm thì trong vòng khoảng 20 năm tôi đã có được khoản tiền tiết kiệm tương đương số tiền tiết kiệm do không đóng bảo hiểm. Khoản này sẽ còn tăng lên do tiền lương hưu cao hơn.
Nhiều người vẫn tranh cãi về BHXH không liên quan đến Bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng thực chất có liên quan nhau. Căn cứ theo luật BHXH thì người đang hưởng lương hưu sẽ được tổ chức BHXH đóng BHYT hàng năm. Như vậy trong tiền BHXH tôi đóng hiện nay nó cũng bao gồm tiền BHYT cho tôi khi tôi về hưu.
Như vậy nếu tham gia BHXH thì tôi còn được lợi ở khoản BHYT khi về hưu. Tôi cũng thấy nhiều bạn đọc đề cập tới việc nếu chết thì mất số tiền BHXH bởi vì tiền tuất không được bao nhiêu.
Nếu đề cập tới vấn đề này thì chắc chắn là đúng nhưng đâu có ai muốn mình chết sớm phải không. Các bạn cứ thử nghĩ nếu mình sống tới năm 80 tuổi thì số tiền hưu trí của mình đã vượt xa số tiền tiết kiệm do không tham gia bảo hiểm rồi.
Tôi cho người dân đóng BHXH là lợi ích lâu dài, còn quan điểm của bạn như thế nào?
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.