Đọc bài cô giáo về hưu lương 1,3 triệu đồng, tôi bỗng thấy chạnh lòng khi nghĩ về hiện trạng lương của mình và nhiều cán bộ khác cùng cơ quan. Tôi là nghiên cứu viên, làm ở một đơn vị nhà nước tại xã ngoại thành Hà Nội.
Tôi vào đây làm đến nay đã được 5 năm. Năm 2012 tôi được nhận về đơn vị này và làm hợp đồng với hệ số lương 2,34 (bằng đại học). Mức lương cơ bản tôi nhận là 1,050 triệu đồng. Tính ra lương hàng tháng của tôi là 2,457 triệu đồng.
Tôi và các cán bộ phải tự bỏ ra 100% tiền bảo hiểm (tương đương khoảng 900,000 đồng) nên thực lĩnh lương của tôi chỉ còn gần 1,6 triệu đồng. Tôi đi làm đã được 5 năm nhưng lương không hề tăng, bậc lương không tăng theo thời gian quy định của nhà nước.
Năm 2015, tôi được cấp bằng thạc sĩ nhưng cơ quan cũng nói rõ chính sách là không được tăng bậc lương, vẫn giữ nguyên hệ số 2,34. Thậm chí từ năm 2012 đến năm 2017, lương cơ bản đã tăng từ 1,050 lên 1,3 triệu đồng, nhưng chúng tôi chỉ được tính mức lương cơ bản cũ là 1,050.
Lương hiện tại của tôi cùng nhiều cán bộ hợp đồng khác với trình độ đại học và thạc sĩ là 1,050 x 2,34 = 2,457,000 đồng. Trong khi lương tối thiểu vùng 1 đã là 1,300,000 x 2,34 = 3,042,000 đồng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Một nghịch lý nữa là chúng tôi phải nhận mức lương không tăng trong vòng nhiều năm nhưng lại phải tự đóng 100% mức bảo hiểm tăng theo thời gian là 3,042,000 x 34% = 1,034,280 đồng. Bởi vậy, lương thực lĩnh của tôi còn chưa được 1,500,000 đồng. Vì thế nên có thể nói 5 năm qua lương tôi còn giảm đi.
Càng nghĩ tôi càng chạnh lòng, lương giáo viên về hưu còn được 1,3 triệu đồng, trong khi tôi ở giữa đất Hà Nội chỉ có hơn 1,4 triệu đồng.