Có lẽ, cách tiêu tiền còn khó hơn chuyện kiếm tiền. Tôi đang luẩn quẩn giữa những dự định đã đổ vỡ, đánh đổi quá nhiều nhưng đến giờ vẫn trắng tay.
Là con út trong gia đình có 4 anh chị, có lẽ vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên tôi khá ít nói. Từ khi đi học, tôi đã cảm thấy rất tủi thân dù luôn đứng top đầu của trường, giáo viên chủ nhiệm năm nào cũng cho tôi tiền học phí.
Năm lớp 6, tôi đã phải đi đánh giày, từ lớp 10 trở đi, cứ nghỉ hè, nghỉ Tết là lại đi phụ hồ.
Năm 2010, tôi thi đậu đại học Bách khoa, anh trai thứ ba (sinh năm 1991) thi đậu đại học Xây dựng. Anh trai đầu (sinh 1983) cũng quyết định thi đại học và đậu đại học Y.
Ai nhìn vào cũng nể phục gia đình tôi, thế nhưng cả ba chúng tôi đều hiểu chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn. Bố mẹ tôi làm nông nên không đủ tiền để hai anh em tôi đi học (anh trai đầu của tôi đã lập gia đình nên tự lo được).
Học đại học được 3 tháng, tôi quyết định từ bỏ, trước mắt là để bố mẹ đỡ lo về tài chính, và giúp được hai anh trai phần nào. Tôi cũng quyết tâm 3 năm sau sẽ thi lại đại học.
Rồi cứ thế, tôi làm đủ thứ nghề, từ hát rong đến xách hồ, nghề hàn... nói về nghề chân tay, tôi làm chẳng thiếu thứ gì. Mỗi khi về nhà, tôi vẫn là con ngoan, vẫn thể hiện với mọi người rằng chuyện học hành khá tốt, thi thoảng tôi gửi tiền cho bố mẹ, và bày biện đủ lý do vì sợ họ biết chuyện bỏ học.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, gia đình, bạn bè đều biết tôi không còn đến trường. Thế nhưng, họ đều nghĩ là tôi bị đuổi học, vì ít nói nên tôi cũng không giải thích với ai, đành ngậm ngùi chịu những lời bàn tán ra vào (nào là học hành chẳng ra sao, chơi bời nhiều quá nên mới bị đuổi).
Lúc đó, bố mẹ cũng chỉ khuyên tôi mỗi câu: "Dù thế nào thì bố mẹ cũng nuôi 4 anh em học xong đại học". Hai năm sau đó, tôi đi gần như biệt tích, cứ đến Tết mới về mấy ngày.
Đi làm được ba năm, gia đình tôi cũng đỡ khó khăn, bản thân tôi cũng tích cóp được một ít vốn, vừa đi làm, vừa ôn thi lại đại học. Và rồi tôi cũng đem về tờ giấy báo đậu Đại học Bách khoa lần thứ hai (lúc đó tôi rất tự hào về bản thân).
Vào đại học với tâm lý đắn đo, suy nghĩ xem với ít vốn có được, mình nên kinh doanh gì để vừa duy trì việc học mà không cần sự giúp đỡ tài chính của gia đình giúp đỡ nữa.
Hè năm 2014, tôi quyết định mở điểm giải trí cho trẻ em (nhà phao). Bước đầu thành công ngoài sức tưởng tượng, một buổi chiều tôi dư được khoảng 500.000 đồng. Thế nhưng, dần dần tôi cũng thay đổi hoàn toàn tính cách.
Từ một kẻ tiết kiệm từng đồng, giờ tôi tiêu tiền vô tội vạ. Từ một người có suy nghĩ dài cho tương lai, tôi đã sa chân vào những cuộc chơi không biết ngày mai.
Công việc mới cũng chỉ làm được mấy tháng hè, những tháng mưa rét không kiếm được gì nhưng tôi vẫn tiêu tiền nhiều như vậy. Tôi hiểu rõ cứ tiếp tục như vậy sẽ không còn gì mà ăn...
Một năm nữa lại trôi qua, công việc của tôi vẫn chẳng có gì thay đổi, hiểu rõ không nên như năm trước nhưng tôi lại không thực hiện được. Cứ thế, tiền gốc cũng tiêu hết, dần dần tôi phải vay để cầm cự.
Trước đây, khi còn làm ăn được, tôi thấy những khoản nợ ấy bình thường, thế nhưng giờ lại cảm thấy bất lực với vị thế là một sinh viên.
Những ngày cuối năm, mọi thứ đến dồn dập. Là một người phơi sương, chịu nắng gió nhưng bản thân tôi cũng không hiểu sao mình lại ngồi đây để viết lên những dòng tâm sự này, giãi bày sự yếu đuối của bản thân.
Bây giờ nghĩ lại, 24 tuổi rồi mà tôi vẫn chưa bao giờ có nổi một người bạn gái, chưa bao giờ có tình cảm với ai. Chuyện học hành ngày một kém, công việc chẳng ra sao... mình lại là mình, tôi lại tủi thân như ngày còn đi học.
>> Xem thêm: Vì sao Việt Nam chưa có trường đại học nào đứng tốp 500 thế giới?
Nếu bỏ cuộc thì chắc bây giờ tôi vẫn đang lông bông, không nghề nghiệp, trở thành gánh nặng của gia đình và xấu hổ với bạn bè. |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.