Ngày xưa, tại làng xa xôi, có một gia đình đã nghèo, lại còn đông con. Lúc còn nhỏ, đàn con ấy không được ăn uống đầy đủ, cũng chẳng được học hành, dù cha mẹ đã rất cố gắng.
Khi bầy con lớn hơn một chút, cha mẹ chúng bèn chọn ít đứa có năng lực để cho ăn học. Sau đó, trẻ con trong nhà sẽ được cho thi đua với nhau, đứa nào có thành tích tốt nhất sẽ được chọn để thi thố với con nhà hàng xóm.
Đứa trẻ đi thi có khi đậu, khi rớt, thứ hạng cũng trồi sụt thất thường. Cha mẹ nhà đấy bèn mướn gia sư dạy riêng cho con, nhưng chỉ là dạy cho mấy đứa được chọn, vì đâu có thầy nào dạy được cho cả đàn con đông đúc.
Mỗi năm, các con lại cắp cặp đi thi nhưng mãi mà chẳng được cái "thủ khoa làng". Đã vậy lại còn gặp đứa con hư. Nó nhận tiền của bọn xấu rồi không thèm làm bài, nghe theo người ta cá độ. Con hư thì phải dạy lại, vì thế lũ con đấy coi như bỏ, chúng phải ở nhà chịu hình phạt, ăn năn hối cải.
Thầy giáo được thuê dạy, mãi không giúp con đỗ thủ khoa làng thì phải đuổi, mướn thầy khác, chứ chẳng nhẽ lại đuổi các con thì sao được?
Thầy người Đức rời đi, thầy Anh tới rồi cũng nối gót ra đi, sau đó là gia sư người Áo đến... ngôi á khoa thì có, chứ thủ khoa nhất định là không. Ông giáo Bồ (Bồ Đào Nha) lên và lại dẫn lũ con đi thi.
Mấy kỳ đầu, các con làm bài thất thường nên bị cha mẹ, các anh chị lớn ở nhà "chửi" om sòm. May sao khi vào vòng trong, các con thi thố mỗi lúc một hay nên đạt được giải "thủ khoa làng". Cả nhà vui phải biết, còn ông thầy Bồ kia thì được đưa lên mây.
Năm sau ông lại dắt các con tham gia thi, nhưng mình cố thì người ta cũng cố. Nhà hàng xóm, kẻ thì nhận con nuôi học giỏi, người thì chăm con trong trứng nước, dạy dỗ lúc còn thơ, nên ông thầy Bồ lại thua, chỉ về nhì hoặc ba. Cha mẹ, anh chị lại xông vào chửi, tới nỗi ông này bỏ chạy mất tăm mất tích, mấy năm trời không ai liên lạc được. Vậy mà có người trong nhà còn bảo là nên đi tìm ông ấy mời về dạy lại.
Trong khi đó, việc ăn học của những đứa trẻ ấy vẫn như cũ. Lúc nhỏ, chúng đã không được ăn đủ, lớn hơn một chút lại chẳng được học, dù muốn hay không. Đứa nào may mắn được chọn thì phải thi thố với anh em trong nhà trước, rồi thì vì muốn khẳng định mình, đàn anh sẵn sàng đánh em te tua, các em cũng không kém, "chơi lại" đàn anh hết cỡ. Kết quả là anh em trong nhà làm khổ nhau, thọ thương, nằm la liệt.
Để thay đổi không khí thi đua học tập, con nhà khác được mời về học chung với đám trẻ trong nhà. "Con nhà người ta" học giỏi nên chẳng mấy chốc giật được hết giải. Mấy đứa con tha phương muốn trở về quê học tập lại chẳng có ai chịu học chung, kết quả là chúng lại tiếp tục lưu lạc và giật giải nơi xứ người.
Các thành viên trong gia đình tỏ ra chán nản với tình hình thực tại. Họ bảo các anh em của mình chỉ lo mua bán bài thi, mua chuộc lẫn nhau, rồi cùng nhau đấu võ chứ học hành gì.
Từ đó, việc học hành của tụi trẻ hàng ngày chẳng được ai quan tâm, người người bỏ mặc, nhưng lúc chúng tham gia thi đấu thì người ta lại kéo đến ầm ầm, rồi ra sức tranh luận, chỉ bảo đủ điều. Ai bảo là anh em trong nhà không quan tâm đến những đứa đi thi?
Ở trên, cha mẹ mướn thầy khác để dẫn dắt con đi thi hội làng. Lại một thầy Đức qua, nhưng ông này tệ quá, các con rớt "bạch" ngay vòng đầu. Để người nhà bớt giận, ông này bị đuổi ngay trong kì nghỉ giáng sinh, đến cả hành lý cũng bị đóng gói gởi về.
Sau đó, các anh cả trong nhà lại được mời ra làm thầy, nhưng bụt chùa nhà mất thiêng, anh nào cũng thua không kém ông thầy Đức bị đuổi.
Để đổi mới không khí, lần này, gia sư người Nhật được mời qua. Ông này khó tính, bắt các con phải nâng cao trình độ, học miệt mài, có đứa chịu không nổi lăn ra ốm, cha mẹ xót con nên mắng thầy.
Những đứa trẻ lại dắt díu nhau đi thi, vòng đầu các con đạt điểm cao, cả nhà vui như trẩy hội. Nhưng rồi chúng tiếp tục rớt, người lớn lại tức giận và chửi ầm ầm, quên khuấy cả chuyện con mình chẳng đủ ăn, ít được học, trong khi đó con nhà hàng xóm thì được cho ăn học tử tế.
Sau đó, cả nhà quay ra mắng thầy là sao giờ con tôi... chữ viết xấu quá. Ông thầy chẳng biết nói sao, vì chuyện làm bài thi sao cho đậu, thầy còn lo không xong, nói gì tới chữ đẹp.
Lứa học sinh giỏi cấp thế giới được mời sang học chung một buổi, đám trẻ trong nhà học thua sút, cha mẹ lại bảo là chữ con quá xấu, đổ lỗi vì thầy hết bài để dạy. Rồi thi với đứa hàng xóm trước giờ vẫn thua con mình, tuy thắng nhưng chữ xấu, chúng lại bị cha mẹ mắng. Họ chỉ lo la rầy mà quên mất rằng hàng xóm cũng nhận con nuôi, cũng cho con ăn học cẩn thận.
Sự việc xảy ra, người anh cả khuyên cha mẹ là phải đuổi thầy đi, để anh lo cho bọn đàn em trong nhà, bảo đảm sẽ đỗ thủ khoa. Không rõ ông anh đó có nuôi được hết lũ nhỏ từ trong trứng nước, cho chúng ăn đầy đủ, chọn tài năng từ lúc bé, bồi dưỡng hết cả đám đàn em không hay lại chỉ nuôi được một nhóm nhỏ em út, thuê thầy dạy rồi đưa đi thi như cũ?
Có kẻ bảo: "Thuê gia sư tốn biết bao nhiêu tiền, con mà không khá thì đuổi thầy là lẽ đương nhiên". Công việc này được trả tiền đại khái chỉ bằng một nửa lương bác sĩ nơi thầy ở. Lương thầy nhận được so với các bậc gia sư tầm cỡ thế giới cũng như đom đóm so với mặt trời, nên thầy đâu phải là phù thuỷ.
Ngẫm lại, bậc thầy phù thuỷ Hà Lan cũng vừa mới phải từ chức bởi vì... những đứa con nhà "cơn lốc màu da cam" mấy năm gần đây không được học hành nhiều từ thưở nhỏ.
Tháng tới các con nhà ta lại có kỳ thi. Người lớn vẫn đùng đùng đòi đuổi cổ thầy ra khỏi nhà. Chẳng biết trong một tháng cha mẹ tìm đâu ra thầy để dẫn các con đi thi đây?
>> Xem thêm: Hãy coi châu lục là đấu trường chính cho bóng đá Việt Nam
![]() |
Gửi những người hâm mộ 'trở mặt với HLV Miura'
HLV Miura rồi cũng bị họ đối xử như ông Calisto mà thôi. Thắng thì họ tung hô, thua thì họ chỉ trích đá không đẹp mắt, bế tắc, lối chơi kém sáng tạo... |
Chia sẻ bài viết của bạn về đội tuyển Việt Nam tại đây.