Sau khi xem xong trận đấu giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Man City, trong lòng tôi chỉ đọng lại một nỗi buồn. Tôi buồn vì các cầu thủ Việt Nam thể lực vẫn yếu kém, kỹ thuật thì rõ là thua xa so với Man City. Dù vậy, tôi biết thua là chuyện tất nhiên và nhanh chóng xếp trận giao hữu này vào ký ức.
Có lẽ vì vậy nên tôi hết sức ngạc nhiên khi nhiều cổ động viên tranh nhau "ném đá" HLV Miura. Rồi khi nhiều người nổi tiếng cũng chỉ trích thì tôi ngã ngửa. Tôi không hiểu nổi là vì lý do gì mà ông Miura phải chịu sự lên án đó?
Đội tuyển thua đậm ư? Thế mới cách đây vài năm đội tuyển thua Arsenal 7-1 thì sao? Arsenal và Man City vẫn kèn cựa nhau tại giải Ngoại hạng Anh và chắc chắn xét về chuyên môn, Man City đâu có thua gì so với Arsenal. Vậy thì đội tuyển Việt Nam thua hai đội này với tỉ số xấp xỉ là tất nhiên.
Đội tuyển đá chán quá ư? Làm sao không chán được khi các cầu thủ của ta chạy theo không kịp các đội bạn. Nửa trận thôi, các cầu thủ Việt Nam đã "mệt phờ râu" và HLV Miura phải thay người để khỏi bị kiệt sức. Thể lực người Việt Nam so với các cầu thủ hàng đầu thế giới thì thua là phải.
Công Phượng không được vào sân bao lâu ư? Có ai nghĩ tới chuyện Công Phượng đang chấn thương, không có phong độ tốt và chẳng biết bao lâu rồi chưa ghi bàn? Tôi nghĩ ông Miura muốn cho Công Phượng lên tuyển lần này để khích lệ cậu ấy, vì tương lai của Công Phượng ở tuyển Việt Nam còn dài. Nhưng chỉ cho vào ít phút thôi, vì cho cậu ấy đá lâu nhỡ chấn thương nặng thêm thì thiệt đơn hại kép.
Tiêu chí chọn cầu thủ tham gia trận giao hữu này có cả đóng góp cho đội tuyển. Có lẽ vì thế mà Công Vinh được đá trong trận này. Công Vinh không thể hiện được nhiều, nhưng cả đội có ai thể hiện được gì đâu. Thủ môn dự bị thậm chí còn không khống chế nổi bóng trong một tình huống bóng đi rất nhẹ, nhưng không thấy ai la ó gì cả.
Tôi ngồi đây lục lại trí nhớ của mình xem đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam đã làm được những gì từ sau khi ông Calisto từ chức năm 2009. Tôi nhớ có một HLV người Đức thua te tua từ vòng bảng và bị sa thải. Rồi sau đó có hai vị HLV Việt Nam lên, ai cũng hứng chịu những trận thua rồi từ chức. Bóng đá Việt Nam từ năm 2010 - 2014 đi từ chỗ vô địch Đông Nam Á tới chỗ thua từ vòng bảng.
HLV Miura đến và tuyển Việt Nam cũng như U23 Việt Nam vào được bán kết, giành giải ba ở Đông Nam Á. Ở cấp châu lục như ASIAD thì vào được vòng trong với tư cách nhất bảng, giành vé vào vòng chung kết châu Á... Nhưng như vậy đâu có đủ để các cổ động viên nhanh chóng quên đi.
Vì lý do nào đấy tuyển Việt Nam nhất định phải vào chung kết ĐNA, phải thắng Thái Lan và gặp Man City - đội tuyển đã cho Man United ngửi khói mấy năm liền. Họ bắt đội tuyển Việt Nam phải đá cho ra hồn, chứ không thể thua như gặp Arsenal được.
Nhiều cổ động viên nói rằng "tôi yêu bóng đá đẹp, đá là phải đẹp, thua nhiều cũng được". Bóng đá đẹp chỉ dành cho kẻ mạnh. Tôi không biết vẻ đẹp của bóng đá sẽ ở đâu nếu ta cứ nhất định lên tấn công và thua đậm.
Kì World Cup nữ vừa rồi, tôi xem Đức đá với Bờ Biển Ngà. Các chị Phi Châu rất vụng về nhưng cứ ham tấn công và kết quả là họ thua 10-0. Thái Lan ở cùng bảng, họ phòng thủ và thua Đức 4-0. Cả hai đều về nước, nhưng tôi chỉ nhớ kết quả thua te tua của Bờ Biển Ngà, chứ đâu có nhớ là họ chơi đẹp.
Nói thẳng ra, trình độ của các cầu thủ Việt Nam chỉ là thế, bởi vậy HLV nào cũng không thể nâng tầm họ được. Nhiều lắm là huấn luyện viên cải thiện được thành tích mà thôi. Huấn luyện viên giỏi chỉ có thể phát huy khả năng của cầu thủ, nhưng cầu thủ không có khả năng thì phát huy thế nào. Bản thân tôi mà cho đi đá bóng thì có gặp Alex Ferguson cũng không đá được cho tuyển Việt Nam. Còn tuyển Việt Nam thì Sir Alex cũng không thể đưa nổi họ ra tầm châu lục.
Năm ngoái, khi mà không khí World Cup hết sức nóng bỏng, tôi kể cho các đồng nghiệp Mỹ của tôi về không khí bóng đá ở Việt Nam. Họ hỏi tôi về đội tuyển bóng đá Việt Nam. Khi biết rằng tuyển Việt Nam đâu đấy ở khoảng hạng 150 trên thế giới, họ rất ngạc nhiên. Họ hỏi: "Người Việt Nam thích bóng đá thế, nhưng họ không chơi đá bóng à?".
Tôi giật mình nên đi hỏi Google xem trên thế giới này có bao nhiêu người chơi bóng. Ở Mỹ có 4.186.778 người chơi bóng có tổ chức. Ở Đức là khoảng 6.3 triệu, còn Australia là 970.000. Ở Việt Nam thì bao nhiêu người chơi bóng có tổ chức? Tôi tìm mãi không ra nên đành ước tính.
Cả nước có 50 tỉnh thành, cứ cho là mỗi tỉnh thành có một đội bóng và mỗi đội có 200 cầu thủ. Như vậy thì có khoảng 10.000 người Việt Nam chơi bóng có tổ chức. Các giải phong trào thì vẫn là phong trào. Bởi lẽ ngay ở Úc, các giải nghiệp dư cũng phân ra 4 đến 6 hạng và đá lượt đi lượt về cả mùa 18 trận trên sân cỏ chính quy suốt 90 phút. Đó mới là bóng đá có tổ chức.
Bởi thế nên, các tài năng bóng đá đâu được phát hiện và nuôi dưỡng từ nhỏ. Bóng đá và thể thao nói chung cũng không phải là cách để tiến thân, nên càng ít người theo đuổi bóng đá.
Tôi có nghe nói rằng, để có một cầu thủ đẳng cấp thế giới, có thể chơi ở một giải đấu hàng đầu như Ngoại hạng Anh hay Tây Ban Nha thì phải có 50.000 người chơi bóng. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy rằng, số người chơi bóng đá ở Vịêt Nam là quá ít để có thể có được một dàn cầu thủ chất lượng cho đội tuyển quốc gia.
Bóng đá phát triển dựa trên một nguyên tắc duy nhất: càng nhiều người chơi thì càng nhiều nhân tài. Nhưng cả nước ngồi xem trong khi chỉ vài nghìn người chơi thì có hò hét đến đâu, có bỏ ra nhiều tiền đến đâu cho các cầu thủ cũng vậy.
Ngay cả khi có một nền bóng đá phát triển, việc đội tuyển quốc gia có đạt thành tích cao hay không còn tuỳ thuộc từng lứa tài năng. Bóng đá như con tạo xoay vần, Tây Ban Nha mới vô địch Euro năm 2012 và là đương kim vô địch thế giới, vậy mà tới năm 2014 đã thua Hà Lan lấm lưng trắng bụng. Đội vô địch thế giới còn thế, thì đội tuyển Việt Nam năm trước có vào chung kết Đông Nam Á, năm sau lại thua ngay từ vòng bảng cũng không tới nỗi kỳ lạ.
Sau cùng, tôi chỉ mong các bạn hâm mộ gần xa nhớ rằng, bóng đá chỉ là môn thể thao, chỉ để mang lại niềm vui và giải trí, chứ không phải là vấn đề thể diện quốc gia. Nhiều bạn xông vào chửi bới các cầu thủ và HLV Miura trong trận thua Thái Lan 3-1 vừa rồi là "nhục quốc thể". Tôi nghe vào mà phát khiếp. Kiểu đấy thì chắc một toàn bộ đội hình của tuyển Brazil chắc đã phạm tội hạ nhục quốc gia. Và World Cup khỏi phải tổ chức vì các nước đại gia mà thua thì cả đội phải bị xét xử.
Mong các bạn cổ động viên có máu ăn thua hạ cánh xuống mặt đất. Chúng ta xem bóng đá cho vui, còn các bạn mà muốn tuyển Việt Nam thắng nhiều thì bản thân các bạn hãy ra sân đá bóng và cho con mình đá bóng.
Tôi đã từng cày ải hết mấy mùa giải trong giải hạng tư tiểu bang ở Australia, đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và có lần còn đổ máu trên sân bóng nên tôi tự biết sức người có hạn. Đá bóng cần nhất là sức và chừng nào người Việt Nam còn chưa cải thiện được mặt bằng thể lực thì việc chạy theo người khác vẫn còn nhiều khó khăn.
>> Xem thêm: HLV Miura phớt lờ sự coi thường bóng đá Việt của người Thái
'Muốn bóng đá Việt phát triển, cần cải tổ tư tưởng CĐV'
Họ lúc nào cũng phát ngôn theo cảm tính, gây nhiễu thông tin và tạo sức ép cho nền bóng đá nước nhà. |
Chia sẻ bài viết của bạn về bóng đá tại đây.