Hai chữ "tự xử" bây giờ hình như đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Tôi nhớ lần đầu tiên được nghe hai chữ ấy là trong chương trình Táo Quân 2014. "Táo Y tế" Vân Dung đã bảo một người dân "tự xử" khi người ta phàn nàn về cách xử sự của bác sĩ. Tự xử là cái gì mà trở nên phổ biến, trở thành hiện tượng và khiến người dư luận bàn tán nhiều thế?
Việc tự xử đã có từ lâu. Đọc những câu chuyện cổ xưa ta vẫn hay thấy những ai bị giết mất cha mẹ hay lập chí báo thù. Đó là một cách tự xử ngày xưa. Ngày nay, việc tự xử lại nổi lên. Nhiều vụ tự xử được quay phim đưa lên báo chí, khiến cho dân tình phẫn nộ.
Đánh chết trộm chó cũng là tự xử, đánh trộm gà cũng là tự xử. Cắt tóc và tát tai cô gái bị nghi ăn cắp cũng là tự xử, đưa quan tài diễu phố cũng thế. Những việc ấy xảy ra nhiều và dày, càng khiến việc này trở nên phổ biến và dễ chấp nhận.
Tôi nhớ lời một đại biểu quốc hội nói rằng: "Hiện tượng người dân tự xử là biểu hiện của việc mất niềm tin vào pháp luật." Tôi e rằng không còn lời nào chính xác hơn thế.
Trộm chó chỉ bị phạt hành chính, trộm cắp vặt hay móc túi cũng lập biên bản, phạt hành chính rồi lại thả ra. Dần dần, người dân hình thành quan niệm rằng lên công an cũng không làm được gì... và họ lại tự xử.
Nhưng tự xử để lại những hậu quả cực kì nghiêm trọng. Trộm chó bị đánh đến chết giữa đường, một cảnh tượng như chỉ có hồi thể kỉ 14. Cô gái bị cắt tóc giữa chợ, làm nhục nhã đến không còn ngẩng mặt lên nổi.
Trong những người xông vào tát tai kẻ trộm, có bao nhiêu người chắc là cô gái kia thực sự ăn trộm? Nếu cô ấy bị oan, mà nay lại bi tát, bị quay phim rồi đưa lên mạng, thì cô ấy còn mặt mũi nào để sống? Nếu cô gái đó thật sự ăn cắp, thì liệu việc đánh giữa chợ có giúp cô ấy ăn năn, hối cải hay không?
Việc tự xử cũng để lại hậu qua khôn lường cho đám đông. Như việc cả làng nhận tội giết người chẳng hạn - bây giờ bao nhiêu người lại dính vòng lao lý vì vài tên trộm?
Tâm lý đám đông rất nguy hiểm, khiến nhiều người không liên can cũng xông vào đánh tới tấp kẻ bị cho là trộm mà không nghĩ tới hậu quả, không nghĩ tới việc liệu kẻ bị cho là trộm có bị oan ức không, hay là liệu chính mình sẽ phải bị giải về đồn vì đánh người khác hay không?
Ở những nước phát triển, xông vào tự xử là việc không thể có. Ví như có kẻ tấn công bạn thì bạn có thể tự vệ bằng mọi cách, kể cả giết người tấn công mình. Nhưng một khi kẻ phạm pháp đã bị khống chế thì phải gọi cảnh sát chứ không thể lại tiếp tục đánh đập hay xúc phạm. Hành pháp là việc của nhà nước chứ không phải của đám đông.
Vấn đề trong hệ thống pháp luật Việt Nam là sự thiếu linh động trong thay đổi. Quốc hội nên xem xét việc lập pháp sao cho quốc hội và nhà nước có thể nhanh chóng đưa ra những điều luật bổ sung cần thiết khi cần. Việc trộm chó, ăn cắp vặt, hay móc túi là những việc gây ra nhiều tranh cãi và để lại hậu quả nghiêm trọng do trình trạng tự xử thì cần tăng hình phạt.
Các biện pháp răn đe mà các nước khác đã áp dụng có hiệu quả thì nước ta cũng có thể áp dụng. Singapore đã dùng hình phạt đánh roi, tuy có hơi cổ điển nhưng là cần thiết trong nước họ. Ta không áp dụng rập khuôn, nhưng tăng hình phạt cũng là biện pháp cần thiết.
Sau hết, tôi mong người dân hãy tôn trọng luật pháp. Việc tự xử tuy giúp người dân thỏa mãn cơn giận nhất thời nhưng về dài lâu thì chỉ là một hành động không tuân luật pháp.
Việc thay đổi cách hành xử cần sự chung tay góp sức của từng người, chứ người dân không thể đổ lỗi cho pháp luật rồi xông vào phạm pháp chỉ để xử kẻ phạm pháp.
>> Xem thêm: Tài xế taxi đánh đập đôi nam nữ giữa đường
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.