Đền Trần đã khai hội, và điểm đặc biệt nhất của lễ hội này là lễ khai ấn. Nhưng ấn đền Trần có lịch sử và ý nghĩa như thế nào? Không phải ai xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này.
Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn.
Ý nghĩa của ấn chỉ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu mà vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Vì vậy, những ai cầm ấn trong tay mà không hiểu bản chất ý nghĩa sâu sắc đó thì ấn cũng chẳng có giá trị gì.
Với ý nghĩa đó, việc phục dựng và phát ấn cho nhân dân cũng chỉ nhằm nhân rộng cái ý nghĩa đó ra, bảo tồn và tuyên truyền về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
(Xem thêm:Thanh niên bỏ cướp lộc, đánh nhau trong hội đền Gióng)
Nhưng hiện nay, không hiểu từ bao giờ mọi người cho rằng những thứ có nguồn gốc từ những nơi tâm linh như đền, chùa, miếu, mạo là thứ vô cùng quý giá, chỉ có những thứ đó mới đem lại cho họ tiền của, sung túc... Trong khi nó đơn giản chỉ là thứ nhắc nhở, ghi nhớ hay đơn giản không khác gì những món đồ lưu niệm khi có dịp đi qua nơi đó.
Những lễ hội, những tập tục tốt đẹp đang ngày càng bị biến tướng thay vì được bảo tồn và phát huy. Nếu bỏ đi sẽ không khác gì vứt bỏ truyền thống cha ông đổi máu xương giữ gìn, nhưng duy trì thì người dân lại tiếp tục có những suy nghĩ sai lệch trong khi ban tổ chức, truyền thông, báo đài đều đưa ra những thông tin đầy đủ đến mọi người.
(Xem thêm: Vì sao trăm người xô đẩy sờ cá chép 'thần' lấy may ở Nghệ An?)
Và một vấn đề nữa là hễ xảy ra chuyện gì đó thì ta lại chỉ trích ban tổ chức, trong khi ban tổ chức không ép người dân bỏ công bỏ việc để đi lễ đi hội bao giờ. Số lượng người đến lễ hội bao nhiêu ban tổ chức cũng không thể kiểm soát được, chả nhẽ người ở nhà ban tổ chức bắt phải đi hội, hay người đã đi đến thì ban tổ chức đuổi về?
Ấn phát ra nếu không muốn cũng không ai ép phải bỏ tiền, tranh cướp ấn cả, sao mọi người lại quy hết về phía những người tổ chức? Muốn một lễ hội diễn ra theo truyền thống nhưng văn minh thì phần lớn nhất chính từ những người tham gia vào những lễ hội đó làm gì và làm như thế nào mà thôi.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.