Còn nhớ hồi bé, cứ mỗi lần đến ngày ông Công ông Táo, sau bữa cơm cúng, tôi đều theo chân bố khệ nệ bê một cái chậu rỉ sét để đốt vàng mã. Lúc ấy, chỉ dám đứng xa xa nhìn vì bố không cho đến gần lửa, thi thoảng cầm một hai tờ tiền vàng quẳng nhanh vào chậu rồi rụt ngay tay lại, ánh mắt dâng đầy màu lửa bập bùng tí tách.
Bố tôi ngồi bên cạnh, thi thoảng lại nhâm nhẩm những câu chữ trên môi, tôi đoán ông đang thầm khấn vái cho những người thân đã mất trong gia đình. Tuổi thơ của tôi cứ trôi qua đều đặn như thế, với mùi khói đến cay xè mắt, tro ám vào mặt đen nhẻm trong tiết trời bàng bạc mù sương.
Cách đây một năm, khi đang là sinh viên sắp ra trường, tôi đi làm thêm tại một cửa hàng bán tour du lịch cho khách nước ngoài. Cứ mỗi ngày rằm, cô chủ lại mua rất nhiều hoa quả và vàng mã để cúng bàn thờ, trong cửa hàng luôn nghi ngút khói.
Tuy nhiên, điều khiến tôi sợ và ám ảnh nhất là phải đốt vàng mã vào cuối ngày, với hàng xấp tiền vàng cồng kềnh chất đống. Cửa hàng du lịch chễm chệ ở phố Hàng Bạc, ngay giữa trung tâm Thủ đô, kẻ qua người lại nườm nượp, tôi phải đốt vàng mã ngay dưới vỉa hè.
Khâu nhóm lửa đã khó, một mình chiến đấu với một đống quần áo, mũ quan, … còn vất vả hơn, đó là chưa kể gió và tốc độ của xe cộ di chuyển trên đường khiến những tờ tiền đang cháy không thể tập trung lại một chỗ, không ít gia đình xung quanh ngán ngẩm lo sợ vì sợ tàn tro tôi đốt bay vào nhà họ.
Điều tôi lo lắng nhất là ngộ nhỡ những tờ tiền đang cháy dở ấy bay đến chỗ nào gần xe máy, có bình xăng nào khóa hở là coi như … tiêu luôn. Sau những lần như thế, tôi mới phát sợ những lần hóa vàng một mình, vật lộn với “đống tiền” và cuộc chiến chỉ kết thúc khi khắp người bị ám một mùi khói khét.
Tôi hiểu ra rằng, ngày còn thơ bé, mỗi lần hóa vàng đều là những khoảnh khắc rất thảnh thơi, ý nghĩa khi hai bố con đều đang nhớ về ông bà tổ tiên, những người thân trong gia đình đã mất. Bố tôi trong thời khắc ấy như đang giao tiếp với những người cõi âm, bày tỏ lòng thành cầu xin ông bà trên cao phù hộ những điều tốt đẹp nhất, mưa thuận gió hòa cho cả gia đình. Đó là những kỷ niệm vô cùng thiêng liêng, đáng nhớ khi cùng nhau chờ đón một năm mới lại về.
Còn ngày nay, trong nhịp sống đầy hối hả, lo toan, người ta bận rộn đến mức chỉ kịp bảy tỏ lòng mình đối với những người đã mất trong mỗi dịp lễ tết, với suy nghĩ rằng đốt thật nhiều vàng mã, vật dụng thì sẽ mang đến một cuộc sống sung túc cho người coi âm. Điều này khiến cho hành động hóa vàng tưởng nhớ vong linh của những người đã khuất không còn giữ được nguyên vẹn giá trị như xưa, đốt tràn lan và làm ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh.
Nét đẹp văn hóa ấy có từ ngàn xưa ấy giờ lại bị biến tướng, khi nhiều người quên đi rằng việc hóa vàng nhiều hay ít không quan trọng bằng tấm lòng thành kính khi chúng ta hướng về cội nguồn.
Xem thêm: Không phải cứ đốt vàng mã mới là biết uống nước nhớ nguồn
Bích Hiền
Chia sẻ bài viết của bạn về câu chuyện ngày Tết tại đây.