Sau bài viết Chuyên gia: 'Quy hoạch lạc hậu, TP HCM phải đổi cách chống ngập' VnExpress nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc.
Độc giả Tran cho rằng: "Trước đây các chuyên gia đã cảnh báo là không nên phát triển thành phố về phía Đông Nam vì khu vực này thấp, là nơi thoát nước."
Đồng quan điểm trên, độc giả có nick NMDuny giải thích rõ ràng hơn: "Địa hình Sài Gòn phía Bắc và Tây thì cao, phía Đông và Nam thì thấp. Với địa thế như vậy, nếu có giải pháp thoát nước từ chỗ cao xuống chỗ thấp thì dễ dàng và đỡ tốn kém. Nếu cứ phát triển xây cất cả về hướng Đông và Nam thì vô tình làm khó cho việc thoát nước tự nhiên, và muốn chống ngập triệt để sẽ tốn một món tiền khổng lồ. Thử hình dung bạn có một mảnh đất vài ba trăm mét vuông với địa thế như vậy thì bạn sẽ xây nhà và xử lý việc thoát nước thế nào để đỡ tốn kém?".
Ngoài những hạn chế bị động về mặt tự nhiên như địa hình, yếu tố chủ quan như ý thức của người dân cũng được nhiều bạn đọc nhắc đến.
"Một phần cũng do rác ở cống nhiều quá nên nước không chảy được. Nhiều nắp cống bị đất, cát che kín không có lỗ hở. Hôm bữa trên đường dừng đèn đỏ ở quận 1 tôi thấy có một chị người nước ngoài qua đường, đúng lúc đó có cái túi bóng bay gần tới thế là chị đó quay lại nhặt đem đến bỏ vào thùng rác. Ai cũng ý thức như vậy thì chắc cũng không ngập như bây như giờ. Tôi không ném rác lung tung nhưng nhặt rác ở dưới đường thì chưa"- độc giả Nguyễn Lợi kể lại.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, độc giả Le Ha: "Đúng vậy, thực tế tôi thường chứng kiến các hộ kinh doanh ở mặt tiền thường xuyên đưa rác, túi xốp... ra đặt ngay miệng cống thoát nước với mục đích là để xe rác đi ngang qua sẽ dọn. Tuy nhiên nếu nhỡ trời mưa xuống trước khi rác được gom thì toàn bộ rác sẽ bị lùa vào miệng cống gây nghẹt. Đó chưa kể ý thức đa số người dân còn kém, có rác là quăng xuống đường chứ không tìm thùng rác để bỏ vào".
Trước tình trạng thành phố ngập ngày càng nặng, địa bàn ngập ngày càng mở rộng hơn, nhiều độc giả cũng đề xuất những giải pháp chống ngập:
Độc giả Nhuong Se chỉ ra 3 nguyên tắc chống ngập nhưng chúng ta chưa tuân thủ:
"1. Trước hết phải có một nơi để chứa nước mưa trước khi chảy ra sông (có thể là bể điều hoà, hoặc hệ thống cống đủ lớn)
2. Tránh tập trung thoát nước về một chỗ gây áp lực lên các tuyến cống.
3. Để hạn chế nước mưa chảy vô cống hoặc bể điều hoà cần phải có mảng xanh hấp thụ nước trước khi nước mưa chảy vào cống rãnh".
"Sài Gòn xưa kênh rạch nhiều thoát nước tốt thế mà người Pháp cũng xây những cống thoát chính khổng lồ. Còn bây giờ kênh rạch bị lấp, cống đúc thì bé tý, làm sao thoát được nước mỗi khi mưa và triều cường? Ta cần xây dựng nhiều hệ thống cống chính thật lớn (vai trò như kênh thoát) đấu nối vào các cống nhỏ để tăng khả năng thoát nước, các đầu cống chính cần xây hố ga khổng lồ có cổng xả (nếu đầu tư thêm hệ thống xử lý nước thải thì khá tốt). Không xả trực tiếp ra sông, chỉ xả ra sông khi nước ròng, khi nước lớn thì đóng cổng xả và dùng máy bơm công suất lớn bơm ra thì sẽ không bị triều cường dâng ngược.
Nước ngoài đều xử lý theo cách này và kết hợp xử lý nước thải để các dòng sông không bị ô nhiễm. Nguồn kinh phí hoàn vốn và bảo trì có thể thu từ phụ phí (xử lý nước xả thải) trong tiền nước đối với dân cư được hưởng lợi từ công trình trên địa bàn. Chỉ cần công khai minh bạch trong nguồn thu thì tôi nghĩ cộng đồng sẽ ủng hộ để có cuộc sống bớt đi ô nhiễm. Dự án không cần khấu hao nhanh vì là công trình công ích thu hàng trăm năm nên phí thu chỉ cần 5-10% tiền nước sạch thì cũng đảm bảo không tác động đến cộng đồng quá lớn"- Độc giả Le Zan nêu.
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.
Thành Đô tổng hợp